Khoa học dịch vụ - ngành của tương lai

06/02/2012 08:58 GMT+7

TPHCM đang chuẩn bị triển khai xây dựng và phát triển một ngành mới: Khoa học dịch vụ. Đây sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế của TP.

 
Du lịch TPHCM sẽ được chọn làm thí điểm của ngành khoa học dịch vụ

Theo thạc sĩ Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, khoa học dịch vụ là gọi tắt của cụm từ khoa học, quản lý, kỹ thuật và thiết kế dịch vụ (SSMED - Service Science Management Engineering and Design). Các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ tiên phong trong việc thay đổi chiến lược kinh doanh từ tập trung trong sản xuất sang tập trung trong dịch vụ, điển hình trong số này là IBM - nơi đầu tiên đưa ra khái niệm Service Science (khoa học dịch vụ) và kêu gọi thế giới nghiên cứu. Tập đoàn IBM định nghĩa SSMED như sau: Đó là ứng dụng các nguyên tắc khoa học, quản lý và kỹ thuật với nhiệm vụ đem lại những lợi ích cho hoạt động của một tổ chức cũng như đối tác, khách hàng.

Công cụ phát triển các ngành dịch vụ

Tại Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ đang phát triển nhanh chóng cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Nhà nước trong giai đoạn đổi mới. Tỉ trọng dịch vụ trong GDP ngày càng tăng và vai trò của dịch vụ ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2006 - 2010, Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ phát triển. Nhờ vậy, khu vực dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của dân cư; góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉ trọng dịch vụ trong GDP chưa đạt được mức độ như mong đợi với mức từ 40% - 42% và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Riêng tại TPHCM, trong thời gian qua, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ. Khu vực dịch vụ luôn có đóng góp cao nhất (khoảng 55%) trong cơ cấu kinh tế, cao nhất trong tăng trưởng GDP (tăng bình quân 12,4%/năm trong giai đoạn 2006-2010). Tuy nhiên, tỉ trọng các ngành dịch vụ cao cấp vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của TP.

Theo thạc sĩ Nguyễn Khắc Thanh, những hạn chế này là do đầu tư cho khoa học công nghệ trong khu vực dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực cho các dịch vụ cao cấp bị thiếu hụt. “Năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam vẫn còn thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực: gần bằng 1/2 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và thấp hơn 10 lần so với Singapore” - thạc sĩ Nguyễn Khắc Thanh cho biết.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII cũng đã định hướng phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải - kho bãi; dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ; du lịch; y tế và GD-ĐT) theo các mục tiêu: Nâng cao tỉ lệ giá trị gia tăng các nhóm ngành trên cơ sở đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học quản lý và công nghệ thông tin. Từ những yếu tố này, có thể nói việc triển khai ngành khoa học dịch vụ là hết sức cần thiết vì nó là một trong những công cụ để thực hiện các mục tiêu vừa nêu.

Thí điểm trong du lịch

Theo kế hoạch, trong năm 2012, ngành khoa học dịch vụ sẽ thực hiện thí điểm trong lĩnh vực du lịch và GD-ĐT.

Kỹ sư Trương Quang Vũ, chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, thành viên nhóm thực hiện đề án ngành khoa học dịch vụ, cho rằng trong xu thế hội nhập, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức nên việc lựa chọn được phương hướng phát triển phù hợp với tiềm năng để tạo ra các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế là hết sức cần thiết. “Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất phong phú nhưng việc phát triển các sản phẩm du lịch còn rời rạc, thiếu đồng bộ, thiếu tính độc đáo, chất lượng dịch vụ không thống nhất, giá cả chưa cạnh tranh so với khu vực và quốc tế” - ông Vũ nhận định.

Theo PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM, thành viên nhóm thực hiện đề án ngành khoa học dịch vụ, hiện nay, du lịch trong nước rõ ràng không thoải mái bằng Singapore, Malaysia hay Thái Lan. “Sự chuyên nghiệp về dịch vụ của những quốc gia này là rất rõ: Hầu hết các dịch vụ đều tốt, giá cả hợp lý và không có tình trạng “chặt chém” khách du lịch như ở Việt Nam” - ông Đức nói.

Kỹ sư Trương Quang Vũ cho biết theo kế hoạch, sẽ xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thị trường và có sức cạnh tranh trong khu vực; thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch đường bộ liên quốc gia, du lịch biển; xây dựng đề án phát triển các cơ sở vui chơi giải trí, hệ thống các cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn; tăng cường tận dụng môi trường internet để quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu và cung cấp sản phẩm du lịch; phát triển thương mại điện tử; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường trong du lịch…

Phát triển nhân lực

Kế hoạch triển khai đề án ngành khoa học dịch vụ sẽ thực hiện theo phương châm Nhà nước đóng vai trò là tác nhân xúc tác, thúc đẩy thành công việc xây dựng một ngành khoa học mới thông qua việc quy tụ đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia… nhằm đưa ngành khoa học này thực sự đóng góp tích cực, có hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Đến năm 2015, đề án dự kiến sẽ hoàn thành 3 mục tiêu: Phát triển một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và năng lực triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn kinh doanh cho các ngành dịch vụ chủ lực của TP; hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về khoa học dịch vụ tại các trường ĐH và các viện nghiên cứu trên địa bàn TP; triển khai thí điểm các mô hình ứng dụng và chuyển giao tri thức khoa học dịch vụ cho các doanh nghiệp dịch vụ đầu tàu của TP.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.