Ì ạch đổi mới chương trình sách giáo khoa

05/07/2013 20:25 GMT+7

(TNO) Hôm nay 5.7, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến về “Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”.

>> Sắp hoàn thiện đề án đổi mới SGK phổ thông
>> Chuyện “thâm cung bí sử” trong biên soạn SGK ngữ văn
>> Giới thiệu bộ SGK lớp 1 mới
>> Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử
>> Lãng phí trong cấp sách giáo khoa miễn phí
>> TP.HCM: Tuyên dương học sinh giỏi quốc gia, quốc tế
>> Học sinh giỏi quốc gia được xét tuyển thẳng vào ĐH

Hội nghị này do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng (VH-GD-TN-TN-NĐ) của Quốc hội tổ chức.

Chưa có đề án cụ thể

Tại hội nghị, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ, cho biết: “Việc chuẩn bị đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông sau năm 2015 còn chậm trễ”.

“Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương nhưng qua giám sát lộ trình xây dựng đề án đổi mới chương trình SGK của Bộ GD-ĐT vẫn chưa thấy Bộ có đề án cụ thể; những vấn đề lớn đặt ra trong chương trình SGK sau 2015 vẫn chưa được Bộ giải đáp thỏa đáng; công tác chuẩn bị về đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ cho đề án chưa được chuẩn bị chu đáo…”, ông Thạch nói.

Chính vì lý do này, nhiều người cho rằng Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh việc triển khai xây dựng đề án cụ thể.

Liên quan đến vấn đề biên soạn, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Ở Úc, người ta biên soạn sách rất kỹ. Thường các nhà xuất bản liên kết với nhau thành một hiệp hội xuất bản. Hằng năm hiệp hội này tổ chức lựa chọn những tác giả và bộ SGK tốt nhất để xuất bản”.


PGS-TS Ngô Minh Oanh (đứng) phát biểu tại hội nghị

Theo ông Oanh, các tiêu chí đề ra để lựa chọn là: tầm quan trọng của cuốn sách đối với thị trường (học sinh, giáo viên và phụ huynh); nội dung cuốn sách đó có mới không; có phát triển kỹ năng mới cho học sinh không…

Ngoài ra, nội dung cuốn sách có chuẩn xác, phù hợp và thích ứng với yêu cầu dạy và học cũng là tiêu chí để chọn lựa.

Đồng thời, để đảm bảo tính cẩn thận trong quá trình biên soạn, người ta buộc tác giả sách phải trả 5 đô la cho một lỗi sai khi bị phát hiện.

Liên quan đến vấn đề SGK, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng ở bậc THPT nước ta còn quá nhiều môn. Đây cũng chính là nguyên nhân gây quá tải cho cả thầy và trò.

Ông Huỳnh Công Minh, Nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Chương trình THPT của các nước bao gồm 6 môn. Trong khi chương trình của ta có tới 16 môn”.

Chưa hết, trong 6 môn đó, có những môn mang tính thực tế, như: dạy về kinh tế gia đình, quan hệ xã hội và tích hợp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…

Cần tạo cơ chế cho học sinh chuyên

Theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát (Quốc hội), hiện nay sự phát triển đa dạng các mô hình giáo dục đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy vậy, một số mô hình giáo dục phổ thông chưa thực hiện tốt mục tiêu theo đề án thành lập, còn bất cập về cơ chế hoạt động và quản lý.

Ở hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu còn lúng túng trong việc xác định mục tiêu hoạt động.

Mục tiêu chính của trường chuyên là đào tạo nhân tài cho đất nước, nhưng trên thực tế đa số các trường phổ thông chuyên đặt nặng vấn đề đáp ứng yêu cầu của phụ huynh và học sinh nên chạy theo mục tiêu trước mắt (thi đỗ ĐH), thay vì chú trọng phát triển năng khiếu của học sinh để bồi dưỡng thành học sinh giỏi quốc gia hay quốc tế.


Ông Thái Văn Long cho rằng nhiều học sinh chuyên không mặn mà với các kỳ thi học sinh giỏi

Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho biết: “Cơ chế hiện nay chưa thật sự tạo cơ hội cho học sinh chuyên phát triển. Bằng chứng là ở tỉnh tôi, nhiều học sinh chuyên thuộc vào hàng giỏi nhất không chịu đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia”.

“Bởi vì, các em chỉ chú trọng đến mục đích duy nhất là thi đậu ĐH. Nếu đi thi học sinh giỏi, các em sẽ phải tập trung ôn tập, bồi dưỡng môn mà mình dự thi. Nếu chẳng may, các em không đoạt giải và không được tuyển thẳng vào ĐH, chưa chắc các em đã thi đậu ĐH. Chính vì lý do này, các em thẳng thừng xin từ chối thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, mà dồn sức ôn 3 môn thi ĐH”, ông Long cho biết thêm. 

Lo ngại học sinh Việt không biết hát Quốc ca

Cũng trong hội nghị này, Sở GD-ĐT TP.HCM có báo cáo về thực trạng các trường có yếu tố nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở, cho biết cả nước có hơn 80 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài. Trong đó, tại TP.HCM có 34 trường (29 trường được cấp phép dạy học chương trình nước ngoài, 5 trường thành lập theo công hàm ngoại giao giảng dạy chương trình nước ngoài cho học sinh nước ngoài).

Trong nhiều trường phổ thông có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM được Bộ GD-ĐT thí điểm nhận học sinh Việt Nam đã cắt xén chương trình 3 môn bắt buộc: văn, sử, địa (dạy qua loa, cắt bớt số tiết, không chú trọng…). Mặt khác, có nhiều trường không thực hiện chào cờ đầu tuần.

“Và dĩ nhiên học sinh Việt ở những trường này không biết hát Quốc ca. Tuy biết các trường làm chưa đúng, nhưng Sở chưa thể xử lý vì không có các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về các vấn đề nêu trên”, ông Chương nói.

Bài, ảnh: Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.