Hướng nghiệp cho vận động viên

23/06/2012 03:00 GMT+7

Vận động viên sau khi giải nghệ thường gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm. Bởi trong quá trình tập luyện, thi đấu, họ không được chuẩn bị học văn hóa và định hướng nghề nghiệp.

Vận động viên sau khi giải nghệ thường gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm. Bởi trong quá trình tập luyện, thi đấu, họ không được chuẩn bị học văn hóa và định hướng nghề nghiệp.

Vào đời theo kiểu may rủi

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Giám đốc Trung tâm TDTT Q.11, TP.HCM - cho rằng vận động viên (VĐV) giải nghệ có nhiều lý do: người dính chấn thương, người vì hoàn cảnh gia đình, người không phát triển được nữa, hết tuổi thi đấu thể thao đỉnh cao… Nhưng có thể thấy, phần đông VĐV giải nghệ thường gặp khó khăn trong việc mưu sinh. Mặt khác, khi đã dấn thân theo nghiệp thể thao, VĐV thường không thuận lợi trong việc học văn hóa vì phải thi đấu, tập luyện với thời gian không ổn định. Đồng thời, VĐV cũng thường thiếu các kỹ năng, kiến thức làm việc. Chính vì vậy, sau khi giải nghệ, họ gần như vào đời với hai bàn tay trắng, đa phần tự thân vận động theo kiểu… may rủi.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo công ty cho rằng họ rất thích tuyển chọn VĐV thể thao vào làm việc. Bà Lê Thị Hạnh Dung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới thể thao (TP.HCM) - cho biết: “Tôi cũng đã từng tuyển nhiều VĐV vào công ty mình làm việc. Các em rất siêng năng, cần cù và kỷ luật, song lại thiếu nhiều kỹ năng, nhất là các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc… nên không đạt hiệu quả trong công việc”.

 VĐV cần quan tâm hơn đến chuyện học văn hóa và hướng nghiệp để có việc làm khi hết thi đấu
VĐV cần quan tâm hơn đến chuyện học văn hóa và hướng nghiệp để có việc làm khi hết thi đấu

Tìm cánh cửa rộng

Theo các chuyên gia thể thao, nguyên nhân phát xuất từ 2 vấn đề: ý thức của VĐV và chưa có hướng nghiệp cụ thể cho VĐV. Có nhiều VĐV đang trong lúc thi đấu, thường không nghĩ sâu xa, không định hình được tương lai mình sẽ làm gì. Bà Dung kể: “Tôi đã đặt câu hỏi với rất nhiều em đang thi đấu: Nếu sau này giải nghệ, em sẽ làm gì? Hầu hết đều trả lời: Em cũng không biết nữa”. Ông Nguyễn Tấn Lợi - Chủ nhiệm CLB thể thao Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) nói: "Trong CLB chúng tôi, nhiều em có điều kiện học lên ĐH nhưng thường không biết nắm bắt cơ hội. Các thầy cô khuyến khích mãi, vài ba năm sau các em mới ngộ ra vấn đề và đi học. Như vậy, các em cũng đã phí mất một khoảng thời gian".

Mặt khác, nhiều VĐV mong muốn sau thời kỳ thi đấu, họ có thể trở thành huấn luyện viên hoặc cán bộ ngành thể thao. Nhưng nhu cầu cho các vị trí này trong ngành khá hạn hẹp.

Lê Đức Công (vô địch SEA Games 1997 môn vật), VĐV môn judo - vật, cho biết: “Tôi từng tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Thi đấu nhiều năm rồi làm bảo vệ mưu sinh. Giờ tôi bị đau cột sống, muốn học thêm nghề gì đó để tìm công việc phù hợp, nhưng sức khỏe hiện không cho phép. Tôi nghĩ, VĐV trẻ cần phải quan tâm chăm lo đến việc học văn hóa cho chính mình; trau dồi ngoại ngữ, dành thời gian học thêm ngành nghề gì đó (ngoài thể thao). Nếu sau này không còn hoạt động trong ngành có thể tìm việc khác. Nếu để chờ sau khi giải nghệ rồi mới đi học thì hơi muộn”.

Lâu nay, ngành thể thao thường chỉ tập trung tối đa năng lực, đầu tư cho VĐV để tìm thành tích cao nhất nhưng lại chưa có hướng đi cụ thể và rõ ràng cho những VĐV “rời nghề”. Ông Nhàn nhận định: “Để tránh tình trạng các VĐV hết thời đỉnh cao không có việc làm, đầu tiên chúng ta phải tác động vào ý thức chịu khó học tập của các em. Vì VĐV thường chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao thi đấu tốt, tập luyện tốt chứ ít chú trọng đến việc học thêm văn hóa hay học nghề. Do vậy những người làm quản lý, trưởng bộ môn, các huấn luyện viên cần phải làm công tác tư tưởng cho các VĐV về định hướng nghề nghiệp”.

Chính vì thực trạng này mà theo ông Trần Văn Mui - nguyên Phó giám đốc Sở Thể dục thể thao TP.HCM: “Hiện nay nhiều phụ huynh không an tâm cho con em mình làm VĐV vì lo ngại về vấn đề mưu sinh. Đáng nói, nhiều người làm công tác thể thao cũng không muốn hướng con mình theo ngành”.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề, có ý kiến cho rằng cần đầu tư xây dựng những trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tầm cỡ, có ký túc xá, sân bãi tập luyện, chỗ đào tạo văn hóa, khu hướng nghiệp dạy nghề. Tùy sở thích, ngoài thể thao, các em có thể học thêm nghề. Có như vậy, VĐV sẽ dễ hòa nhập với công việc mới sau khi từ giã thể thao.

Hải Yến - Minh Luân

>> Ra mắt Làng vận động viên Olympic 2012
>> Cựu vận động viên lãnh án
>> Vận động viên bóng chuyền trở thành siêu mẫu
>> Vận động viên bơi lội chơi dại
>> Hơn 20 vận động viên thi đấu lướt ván diều và lướt sóng
>> Đặc cách biên chế cho 44 nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.