Học trực tuyến, thi ra sao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/04/2020 08:07 GMT+7

Mặc dù hiệu quả học trực tuyến còn đang là vấn đề tranh luận nhưng hiện tại, một số trường ĐH, CĐ, giảng viên vẫn kiểm tra đánh giá và dùng điểm thi này làm điểm kết thúc học phần.

Thi vấn đáp, thuyết trình…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, kể về việc học trực tuyến: “Không khí học tập sôi nổi, câu trả lời cho mỗi vấn đề được nêu lên cùng lúc có đến 5 - 10 câu trả lời trong khi dạy trực tiếp chỉ có 1 - 2 mà có khi còn phải chỉ định. Sinh viên (SV) học rất nghiêm túc và hào hứng”.
Chính vì thế, việc đánh giá kết quả học tập trực tuyến của SV, theo tiến sĩ Thuận, vẫn diễn ra theo quy định của trường. Đối với Khoa Công nghệ sinh học, tiến sĩ Thuận cho biết sẽ sử dụng các hình thức thi.
Ở hình thức thi vấn đáp, ngoài câu hỏi được bốc thăm ngẫu nhiên (70% điểm), SV phải trả lời câu hỏi mức độ khó hơn và suy luận hơn (30%) để đạt 100 điểm. Hình thức thi thuyết trình thông qua bài tập nhóm, giảng viên giao bài theo nhóm và cả nhóm cùng thuyết trình, và giảng viên có thể hỏi bất kỳ thành viên nào trong nhóm.
Ngoài ra, SV có thể làm bài tập nhóm không có thuyết trình, cả nhóm cùng thảo luận những vấn đề mở, hoặc làm bài tập. “Tất cả các hình thức kiểm tra đều được tương tác, thông báo qua hệ thống BlackBoard của trường và một số phần mềm khác, đều được giám sát bởi Phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục và Phòng Đào tạo ĐH của trường”, tiến sĩ Thuận chia sẻ.
Tương tự, Khoa Marketing của Trường ĐH Tài chính - Marketing đều đã dạy trực tuyến 100% học phần. Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Marketing, sau mỗi buổi học, không ít SV xin thêm bài tập để làm.
“Việc kiểm tra đánh giá vì thế vẫn diễn ra đối với những học phần đã giảng dạy được 100% khối lượng. Trường cũng đã đưa ra hình thức đánh giá là cho SV làm tiểu luận, bài tập lớn cá nhân thay thế cho thi kết thúc học phần, điểm này chiếm 60%. Đối với các học phần chưa triển khai học trực tuyến hoặc học chưa đủ khối lượng thì khi SV quay trở lại trường, giảng viên sẽ dạy bù và tổ chức thi tập trung như trước đây”, tiến sĩ Trường thông tin.
Còn tiến sĩ Hoàng Thái Hà, giảng viên Khoa Thủy sản, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, giảng viên có thể tự tổ chức thi trên các phần mềm ứng dụng nhà trường đã duyệt, hoặc cho bài tập lớn, dự án cá nhân, dự án nhóm ngay từ buổi học đầu tiên. Đối với các môn thuộc lĩnh vực ngoại ngữ, xã hội nhân văn, giảng viên nên cho SV thi vấn đáp trực tuyến...”.
Là người đã thực hiện dạy và thi trực tuyến xong 2 môn kỹ năng học tập và kỹ năng làm việc, thạc sĩ Lương Thị Nhung, giảng viên Trường CĐ Thực hành FPT Ponytechnic, chia sẻ kinh nghiệm: “Tại trường, việc đánh giá SV qua quá trình học chiếm phần nhiều (60%), gồm cột điểm bài tập cá nhân và bài tập nhóm, quay lại phần thuyết trình của mình hoặc quay lại phần thực hành giao tiếp với ai đó trong gia đình... Còn 40% điểm là thi cuối môn.

Ra đề thi, kiểm tra trực tuyến như thế nào ?

Tại Trường ĐH Đà Lạt, việc học trực tuyến sẽ diễn ra đến hết tháng 4, nhưng hiện chỉ triển khai được khoảng 20% tổng số học phần phù hợp như lý thuyết hoặc học ngôn ngữ nước ngoài. Trường cũng đã cho phép đánh giá quá trình học tập của SV qua trực tuyến, SV có thể làm bài, trả lời câu hỏi trực tiếp tại các buổi học trực tuyến hoặc nộp bài qua email. Còn điểm quá trình (thái độ học tập trong quá trình học trực tuyến vừa qua) sẽ chiếm khoảng 50% điểm kết thúc học phần.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nêu quan điểm: “Nếu dùng các hình thức đó để lấy điểm cuối kỳ thì việc kiểm tra đánh giá phải khác so với đánh giá tại các lớp học tập trung. Đề thi, câu hỏi phải mang tính suy luận, áp dụng thực tế là chủ yếu. Việc thi trực tuyến phải kết hợp được các tiêu chí về kiến thức và tư duy thực tế từ các kiến thức đã học. Có thể thi bằng cách trả lời câu hỏi trắc nghiệm trong một thời gian quy định hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi của giảng viên. Đối với bài thi nộp qua email thì phải là dạng câu hỏi mở, đòi hỏi SV phải nghiên cứu tài liệu”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, việc chuẩn bị câu hỏi cho các bài thi trắc nghiệm trực tuyến mất rất nhiều thời gian. “Ngân hàng câu hỏi phải nhiều gấp 3 lần so với việc thi trực tiếp và công khai cho SV. Khi thi thì chỉ có 50 câu hỏi nhưng mỗi môn phải chuẩn bị ít nhất 150 câu. Các câu hỏi cũng phải đáp ứng được đúng tiêu chí là ôn lại được khối lượng kiến thức đã học, phản ánh chuẩn kiến thức của SV, không đánh đố nhưng cũng không được quá dễ”, ông Lý nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.