Học thạc sĩ quá dễ!

16/11/2010 01:25 GMT+7

Ở VN hiện nay thực trạng học và thi sau ĐH diễn ra khá dễ dãi và tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực.

Đầu vào dễ dãi

“Học và làm luận văn thạc sĩ chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng thi đầu vào cao học còn dễ hơn bậc ĐH. Trước đây nghe nói chưa tin, giờ trải nghiệm thì thấy đúng thật!”, P.N.T - học viên cao học khóa 18 ngành Quản lý giáo dục, chương trình liên kết giữa ĐH Sài Gòn và ĐH Vinh tâm sự. Vừa đi học vừa đi làm, không có thời gian ôn tập nên T. tham gia lớp ôn thi cấp tốc tại trường gồm 3 môn gần 2 triệu đồng trong một tuần. T. cho biết kinh nghiệm từ các học viên khóa trước là nên đi học ôn, bởi học lớp này sẽ có kiến thức trọng tâm để đi thi. Vì tốt nghiệp ĐH không đúng ngành đăng ký thi nên T. bắt buộc phải học các môn bổ túc kiến thức với học phí 3,9  triệu đồng. T. cho biết, nếu đã tham gia lớp học chuyển đổi này thì khả năng rớt lại càng khó. Môn Tiếng Anh vốn là rào cản của nhiều người khi thi cao học, nhưng ở đây lại không đáng để bận tâm. Bởi theo T., “dù bài thi nói là tương đương trình độ B nhưng thực chất chỉ hơn A một tí”. T. cho biết trong số hơn 100 người dự thi cùng đợt, chỉ có vài người rớt.

Học và làm luận văn thạc sĩ chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng thi đầu vào cao học còn dễ hơn bậc ĐH. Trước đây nghe nói chưa tin, giờ  trải nghiệm thì thấy đúng thật!

H.P.N cũng là một học viên của chương trình này khẳng định: “Nếu tham gia lớp học ôn thì khả năng trúng tuyển rất cao, bởi đề thi có sự tương đồng khoảng 50% so với tài liệu ôn thi”.

Trao đổi vấn đề này, tiến sĩ Bùi Văn Dũng, Phó trưởng khoa sau ĐH trường ĐH Vinh, cho biết: “Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng theo quy trình, được giám sát và bảo mật. Trong đó, việc ôn thi diễn ra một cách độc lập. Việc tổ chức đề thi là bốc thăm từ ngân hàng đề thi của nhà trường. Các kiến thức được nhà trường tích lũy trong ngân hàng đề thi hằng năm cũng là những nội dung nằm trong chương trình ôn tập. Vì vậy, đề thi giống với nội dung ôn tập cũng là bình thường”.

Trường hợp này cũng xảy ra với môn Tiếng Anh trong kỳ thi cao học tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM tháng 9 năm nay. Có 747 thí sinh dự thi vào 20 chuyên ngành đào tạo, với khoảng 400 thí sinh dự thi môn ngoại ngữ. Đề thi có hơn 40% số câu hỏi được lấy từ “Đề cương ôn tập tuyển sinh sau ĐH môn Anh văn trình độ B” mà các thí sinh đã được ôn tập trước đó. 

Về thực trạng này, chiều qua, tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Đề thi giống với nội dung ôn tập là chưa thể hiện được sự công bằng giữa các thí sinh, đồng thời không phản ảnh đúng năng lực thực sự của thí sinh. Do vậy, đề thi cần phải được tạo ra độc lập, tránh trùng lặp với nội dung ôn tập mới tạo được sự khách quan”.

Luận văn sao chép

Không chỉ ở khâu tuyển sinh, việc tốt nghiệp cao học cũng hết sức dễ dãi. Chất lượng của phần lớn luận văn tốt nghiệp đều có vấn đề mà theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) là “rất đáng buồn”. Bà Phương Anh tâm tư về việc giảng dạy cũng như phương cách làm luận văn thạc sĩ hiện nay. “Một tiến sĩ mỗi khóa học được phép hướng dẫn 3 thạc sĩ, chỉ vài năm mỗi tiến sĩ - kể cả người vừa ra “lò” - có thể cho ra đời hàng chục thạc sĩ. Bây giờ, nếu làm một thống kê tên đề tài luận văn (riêng khu vực Ngữ văn) ở tất cả cơ sở đào tạo cả nước, tôi tin là sự trùng lặp có thể lên đến dăm bảy mươi phần trăm”.

Thậm chí có những luận văn được sao chép gần như hoàn toàn chỉ qua một năm mà không hề bị phát hiện.

Trường hợp này xảy ra với 2 luận văn thạc sĩ tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh của khoa Ngữ văn Anh. Luận văn bị sao chép là Developing an esp syllabus for learners of fashion design (tạm dịch: Thiết kế giáo trình tiếng Anh chuyên ngành Thiết kế thời trang) của học viên Lê Thị Thanh Hà do tiến sĩ Đoàn Huệ Dung hướng dẫn được thực hiện vào tháng 11.2005. Sao chép nội dung từ luận văn trên là luận văn Designing an esp syllabus for students of environmental technology at the University of Technical education, HCMC (tạm dịch: Thiết kế giáo trình tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ môi trường tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) của học viên N.T.M.T do tiến sĩ N.H.T hướng dẫn được thực hiện vào tháng 12.2006.

Theo tiến sĩ Võ Văn Sen - Hiệu trưởng nhà trường, “hai luận văn này giống nhau tới 80%”. Tuy nhiên, luận văn sao chép vẫn được hội đồng thông qua và học viên cũng đã tốt nghiệp. Suốt 4 năm nay, hai luận văn này vẫn được đặt cạnh nhau trong thư viện trường và trong Trung tâm Tư liệu Anh ngữ của khoa Ngữ văn Anh. Cho đến vài tháng gần đây, sự sao chép này mới được phát hiện từ những người tham khảo tài liệu. Điều đáng nói là, hội đồng bảo vệ của học viên N.T.M.T gồm 5 người thì chủ tịch hội đồng lại là một thạc sĩ (!). Về việc này, ông Sen giải thích: “Do số lượng tiến sĩ trong ngành Tiếng Anh rất hiếm nên ĐH Quốc gia TP.HCM đã có quy định cho phép những người có trình độ thạc sĩ nhưng là giảng viên chính được ngồi hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Trường hợp hội đồng của học viên N.T.M.T, thạc sĩ N.H.Đ giữ chức chủ tịch bởi vừa là giảng viên chính, vừa là trưởng khoa lúc bấy giờ”.

Không những thế, giảng viên hướng dẫn luận văn trên là tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học so sánh, trước đó tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn và thạc sĩ Văn học, tức không thuộc ngành Ngữ văn Anh. Dù vậy, giảng viên này lại được phân hướng dẫn cao học chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh (!).

Trong tháng 7.2010, một luận văn thạc sĩ có tựa đề Khảo sát các lỗi phổ biến trong cách sử dụng mạo từ tiếng Anh bởi sinh viên năm 3 tại trường ĐH An Giang, được thực hiện tại khoa này cũng bị phát hiện đạo văn. Tài liệu bị sao chép ở đây là luận án tiến sĩ của một giảng viên VN được thực hiện tại Hà Lan.

Ông Võ Văn Sen khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo sẽ xử lý nghiêm túc vụ việc theo quy định đào tạo sau ĐH của trường và ĐH Quốc gia TP.HCM. Trường sẽ lập tổ kiểm tra chuyên môn để tìm hiểu rồi đưa ra hướng xử lý phù hợp. Với học viên, nếu vi phạm ở mức độ nặng nhất sẽ bị kỷ luật và thu hồi văn bằng, xóa tên trong danh sách sinh viên và không cho học lại. Cán bộ giảng viên và người trong hội đồng sẽ bị phê bình nghiêm túc nếu làm việc chưa hết trách nhiệm hoặc trình độ chưa tới; nhưng nếu có hành động tiếp tay, biết rõ sự việc nhưng cố tình lơ đi, sẽ bị kỷ luật”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.