Học sinh giỏi nhiều đến khó tin: Thay đổi cách đánh giá

27/05/2015 07:16 GMT+7

Số học sinh giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo khiến người ta nghĩ ngay đến việc “làm đẹp” sổ điểm, học bạ vì bệnh thành tích. Nhưng chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, cách đánh giá như hiện nay cũng chính là nguyên nhân.

Số học sinh giỏi chiếm tỷ lệ áp đảo khiến người ta nghĩ ngay đến việc “làm đẹp” sổ điểm, học bạ vì bệnh thành tích. Nhưng chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, cách đánh giá như hiện nay cũng chính là nguyên nhân.

Chuyển trường vì... con đạt HS giỏi

Một phụ huynh có con học lớp 6 tại một trường điểm của Hà Nội, vốn là một giảng viên của Trường ĐH Kinh tế quốc dân nên chị không bị ảo tưởng bởi danh hiệu học sinh (HS) giỏi của con mình. Sau một năm sát sao cùng con về việc học hành, đến khi con cầm tờ giấy khen với danh hiệu “HS giỏi”, chị quyết định cho con chuyển trường.

Vị phụ huynh này tâm sự, học lực của con ở mức trung bình nhưng cứ đến gần đợt kiểm tra 45 phút, đặc biệt là thi học kỳ, thì các cô cho con học ôn, học thuộc một số bài văn, đề toán, làm đi làm lại theo ý sửa của cô, cộng thêm với sự “nâng đỡ” của tất cả giáo viên từng bộ môn nên mới cho ra kết quả HS giỏi. “Điều khiến tôi lo lắng nhất là danh hiệu thì như vậy nhưng thi học kỳ xong, kiến thức của cháu chẳng còn lại bao nhiêu. Thi xong là buông sách vở như trút được gánh nặng. Việc học chẳng có yếu tố tự thân nào cả”, chị nói.

Ngôi trường mà chị quyết định chuyển sang cho con là một trường ngoài công lập, quy mô nhỏ (mỗi khối chỉ có 1 - 2 lớp) nhưng tìm hiểu rất kỹ thì chị biết ở đấy mỗi ngày đi học là một ngày trải nghiệm thực sự và kết quả học tập cuối năm chỉ khoảng 1/2 số HS đạt loại giỏi. Đặc biệt, cha mẹ của những HS tiên tiến vẫn rất hài lòng với kết quả của con mình. Họ biết, tuy chỉ là HS tiên tiến nhưng những gì con họ có được là hữu ích.

Chỉ nhìn vào bảng điểm

Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cách đánh giá của chúng ta hiện nay chỉ hoàn toàn dựa vào bài thi, kiểm tra. Trong khi đó, bài thi kiểm tra ấy được thiết kế theo kiểu bao nhiêu phần trăm số điểm dành cho HS trung bình, bao nhiêu là dành cho khá, giỏi. Khi ra đề kiểm tra đã định sẵn được có bao nhiêu HS giỏi, trung bình… Trong khi lẽ ra phải xem HS làm được gì từ những kiến thức đã học và đánh giá từ những cái đó chứ không phải câu hỏi khó dễ hoàn toàn lý thuyết như hiện nay.

Các phụ huynh thường nói mong muốn con mình được giáo dục toàn diện, vậy mà trên thực tế ai cũng biết ở đó thực chất chỉ là luyện thi nhưng bố mẹ vẫn gửi con vào. “Cả một xã hội, việc học được tiến hành một cách thực dụng, phụ huynh biết con mình chỉ là HS giỏi trên danh nghĩa nhưng vẫn chấp nhận vì danh và quyền lợi trước mắt”, tiến sĩ Thơ nhận định.

PGS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu thực tế: “Nhiều giáo viên qua phỏng vấn, khảo sát của chúng tôi còn hiểu lơ mơ về kiểm tra đánh giá. Nghĩa là chỉ hiểu tập trung đánh giá kết quả học tập (chính xác hơn là mức độ tiếp thu bài của HS), có kết quả để xếp loại HS, báo cáo lãnh đạo, vào bảng điểm chứ không hiểu được các chức năng, triết lý đánh giá”.

Kiểm tra thế nào sẽ học thế đó

PGS Khanh chỉ ra quy luật tất yếu rằng kiểm tra đánh giá rất quan trọng và kiểm tra đánh giá thế nào thì việc dạy học sẽ bị lái theo cái đó. Nếu chúng ta chỉ tập trung đánh giá kết quả như một sản phẩm cuối cùng của quá trình dạy và học, thì HS chỉ tập trung vào những gì giáo viên ôn và trọng tâm được giáo viên nhấn mạnh… để đạt được điểm số tối đa theo mong muốn của giáo viên. Như vậy, kiểm tra đánh giá đã biến dạng, không còn theo đúng nghĩa của nó.

Vì thế, đổi mới kiểm tra đánh giá cần đặt trong định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 theo hướng đầu tư nhiều hơn cho đánh giá quá trình và tập trung vào năng lực của người học, đặc biệt phải chú trọng đến đánh giá hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Dành khối lượng tri thức liên quan đến trải nghiệm của người học

PGS Khanh đề xuất: “Phải dành một khối lượng tri thức không liên quan trực tiếp đến một chương cụ thể nào trong sách giáo khoa, mà liên quan đến trải nghiệm của người học dưới góc độ tư duy, để gia tăng mức độ phân hóa trong quá trình đánh giá. Ví dụ đó là những năng lực suy luận, sáng tạo... không phải dựa trên một bài học hay bài toán rất cụ thể mà đôi lúc là những bài toán của đời thường, tình huống được mô phỏng từ thực tiễn”.

Trong khi đó, TS Chu Cẩm Thơ cho rằng việc xếp hạng nhà trường qua việc có bao nhiêu HS giỏi hoặc có bao nhiêu người đỗ đại học, cũng như cách thi cử vẫn nặng nề về kiểm tra kiến thức như hiện nay thì rất khó cho việc đổi mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.