Học sinh giỏi nhiều đến khó tin

25/05/2015 09:00 GMT+7

Không còn là chuyện hiếm khi một lớp có gần 90% học sinh giỏi, chỉ vài người khá. Điều này không chỉ diễn ra ở bậc tiểu học mà còn ở những bậc học cao hơn. Vấn đề là con số học sinh giỏi này thực đến đâu.

Không còn là chuyện hiếm khi một lớp có gần 90% học sinh giỏi, chỉ vài người khá. Điều này không chỉ diễn ra ở bậc tiểu học mà còn ở những bậc học cao hơn. Vấn đề là con số học sinh giỏi này thực đến đâu.

Minh họa: DAD

“Con cái chúng ta giỏi thật”

Cuộc họp phụ huynh cuối năm, khi giáo viên chủ nhiệm một lớp bậc THCS thông báo 40/45 học sinh (HS) của lớp xếp loại giỏi, một phụ huynh ngồi bên cạnh nói nhỏ “sao mà nhiều vậy?”. Rồi chị diễn giải thêm: “Hồi đó mình đi học, một lớp có 5 - 10 HS giỏi là cùng. Điểm cũng trên 8 thôi. Ai mà cận 9 cũng là siêu. Còn giờ trên 9 quá trời!”.

Thôi thì cứ cho vì đây là “trường chọn” nên có nhiều HS giỏi. Nhưng ở nhiều trường khác cũng tương tự.

Một phụ huynh ở trường THCS khác cho biết lớp có 57 HS, 42 em xếp loại giỏi, 12 HS xếp loại khá, chỉ có 3 HS xếp loại trung bình.

Thống kê từ năm học 2006 - 2007 đến nay ở một trường THCS của Q.1, TP.HCM, tỷ lệ HS giỏi dao động trong khoảng 51% đến gần 60%.

Vẫn bảo vệ quan điểm HS bây giờ giỏi hơn nên tỷ lệ HS giỏi cao là chuyện đương nhiên, chúng tôi thử lý giải bằng các nguyên nhân. Ngày nay phụ huynh quan tâm, đầu tư đến chuyện học của con cái hơn. Những phụ huynh trẻ bây giờ chắc nhiều người còn nhớ ngày xưa mình học là chuyện của mình, cha mẹ ít khi sâu sát theo dõi từng chút một. Bây giờ nhiều phụ huynh phải học theo con, bám sát thời khóa biểu, kiểm tra bài vở của con như thể là giáo viên. Đó là chưa kể đưa con học thêm chỗ này, chỗ khác. Cách đánh giá, xếp loại hiện nay cũng khác, các môn như nhạc, họa, thể dục... đánh giá riêng đạt hay không đạt nên điểm trung bình của HS không bị những môn này kéo xuống...

Tuy nhiên, vẫn cảm thấy không thuyết phục khi tồn tại quá nhiều tập thể toàn là những HS giỏi. Đâu đó là những câu chuyện “hành lang” của gia sư khi kèm một HS mà kiến thức căn bản của bộ môn còn không biết nhưng vẫn lên lớp. Rồi những trăn trở của không ít giáo viên về chất lượng thật của HS...

Vì thế dù rất muốn tin “con cái chúng ta giỏi thật” như lời một tựa sách của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nezin, chúng tôi vẫn muốn có những lý giải hợp lý hơn.

“Ảo rất nhiều”

Trước hết, chúng tôi tìm đến cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm. Đặt vấn đề này với ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Tân giải thích: “Để nhận định tỷ lệ HS giỏi của các trường có hợp lý hay không phải tùy thuộc vào việc khảo sát HS đầu vào, định hướng đào tạo của trường... Trong trường hợp thấy tỷ lệ tăng bất thường sở sẽ có kiểm tra để tìm ra nguyên nhân”.

Trong khi đó, khi nhìn vào thực tế này, một nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã “cảm giác giáo viên hiện giờ có sự đánh giá dễ dãi”. Vị này chỉ ra nguyên nhân chính là để đảm bảo thành tích, thi đua, danh hiệu... nên giáo viên đã có sự đánh giá không chuẩn xác dẫn đến nhiều HS đạt điểm cao vượt quá khả năng. “Trước đây, tỷ lệ HS giỏi của nhiều trường không quá 2%, vẫn có HS yếu kém. Bây giờ trường nào mà thể hiện bằng con số đó thì bị chê từ phía lãnh đạo đến phụ huynh”, vị này khẳng định.

Ở một góc nhìn khác, chúng tôi tìm gặp những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm và cả những người mới vào nghề vài năm.

Một giáo viên THCS gần 25 năm kinh nghiệm, dạy ở nhiều quận của TP.HCM khẳng định: “Ảo rất nhiều. Cũng có HS giỏi nhưng nếu để giáo viên cho điểm thẳng tay, đánh giá đúng thì không bao giờ nhiều như vậy”.

Một giáo viên dạy môn ngữ văn tại Q.3 chia sẻ: “Tỷ lệ HS khá giỏi trong mấy năm gần đây tăng nhiều nhưng không phản ánh đúng lực học thực sự của HS. Do việc xét tốt nghiệp bậc THCS thông qua học lực 4 năm học nên hầu hết đánh giá của giáo viên nghiêng về hướng có lợi cho HS trường mình”.

Nguyên hiệu trưởng một trường THCS có tiếng tại Q.Tân Bình cũng nhìn nhận từ trước đến giờ việc đánh giá HS giỏi chưa thật sát sao. Tỷ lệ cao như vậy có thể là do trong quá trình giảng dạy, có sự định hướng, tập trung vào một số câu hỏi trước các bài kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, việc thi đua thành tích giữa các lớp, các trường cũng yêu cầu tiêu chí HS giỏi. Cũng không thể loại trừ việc giáo viên nương tay, ưu ái cho điểm cao với HS học thêm...

Chính vị hiệu trưởng này đã từng không tin tưởng vào tỷ lệ HS giỏi nên trong thời gian làm quản lý đã làm phép thử khi so sánh tỷ lệ HS giỏi với kết quả các kỳ thi tuyển sinh. Kết quả là có rất nhiều HS xếp loại giỏi nhưng điểm trong các kỳ thi tuyển không đạt mức mà lẽ ra một HS giỏi phải có được. “Cuối cùng tôi cho rằng tỷ lệ HS giỏi đã không đúng thực chất”, vị này nhấn mạnh.

Ý kiến

Mức học trung bình, kiểm tra vẫn đạt điểm 9!

“6 năm liền N.H đều đạt danh hiệu HS giỏi nhưng thực tế lực học lại rất bình thường. Để viết một bài văn có đủ 3 phần, dù được tôi hướng dẫn nhưng H. phải mất hơn 2 giờ mới có thể hoàn thành. Sau đó phải sửa lại nhiều lần mới đạt trung bình. Vậy mà trên lớp N.H vẫn có thể đạt điểm 9 trong các bài kiểm tra”.

Một gia sư cho HS lớp 7 tại Q.7, TP.HCM

Học thêm, biết gần chính xác nội dung đề thi?

Tôi biết một trong những lý do cháu H. đạt HS giỏi là do đi học thêm nên được cô cho đề cương gần như chính xác với đề kiểm tra. Thậm chí bằng kinh nghiệm của mình, cô còn lưu ý cho HS học thêm những phần có khả năng có trong đề thi. Và những lưu ý của cô gần như là chính xác”.

Một phụ huynh ở Q.Tân Phú, TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.