Học sinh chất vấn lãnh đạo về học thêm

22/03/2013 16:45 GMT+7

(TNO) Nhân buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM ngày 22.3, học sinh (HS) đến từ 150 trường THPT trên địa bàn đã phản ánh nhiều vấn đề, thậm chí còn chất vấn lãnh đạo sở về việc dạy thêm, học thêm.

Buổi đối thoại “Tiếng nói học sinh TP.HCM lần thứ 5” diễn ra tại Sở GD-ĐT TP.HCM với sự tham dự của hơn 150 HS đến từ 150 trường THPT.

Học thêm là do ai?

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã gợi ý hiện tượng dạy thêm, học thêm, một trong những vấn đề gần gũi với HS.

Ông Chương hỏi các HS trong buổi đối thoại: “Cụm từ dạy thêm, học thêm bao gồm người dạy và người học. Vậy trách nhiệm của HS trong vấn đề học thêm như thế nào hay chỉ là do thầy giáo? Việc đi học thêm là do nhà trường hay do các em cảm thấy mình không tự tin? Mình (HS - PV) là vô can thì đâu có đúng?!”.

Không đồng ý với suy nghĩ của phó giám đốc sở, Nguyễn Lê Tú Uyên, HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, lý giải: “Học thêm là có tác động từ giáo viên tới HS. Trong lớp không phải ai cũng có điều kiện tiền bạc để đi học thêm. Nếu không đi thì quá trình học sẽ bị trì trệ ngay”.

Dẫn chứng cho lý do đi học thêm, Tú Uyên cho biết có những giáo viên khi dạy ở lớp rất khó hiểu nên phải đi học thêm mới hiểu bài.

Tú Uyên nói: “Mặc dù đã cố gắng chuyên tâm nhưng vẫn không hiểu giáo viên giảng bài. Tại sao có giáo viên dạy dễ hiểu nhưng có giáo viên lại không? Có giáo viên dạy ở lớp lại khó hiểu hơn dạy thêm”.

Học sinh đối thoại với lãnh đạo sở giáo dục về học thêm
Đỗ Trí Dũng, HS Trường THPT Marie Curie, nói về nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm học thêm - Ảnh: Hoàng Quyên

Không dừng lại ở đó, Đỗ Trí Dũng, HS Trường THPT Marie Curie, cho rằng “giáo viên dạy ở lớp khó hiểu hơn khi dạy thêm thì có phải do lương giáo viên thấp quá nên mới có tình trạng đó?”.

Dũng đưa ra con số cụ thể, thầy của Dũng dạy 40.000 đồng/tiết, trong khi một giáo viên nước ngoài đến dạy, chỉ khác thầy của mình về màu tóc, màu mắt, cao hơn một chút mà nhận 160.000 đồng/tiết.

Hay như khi đóng tiền học, Dũng đóng 600.000 đồng/tháng/13 giáo viên, dạy từ thứ 2 -  thứ 6. Trong khi giáo viên nước ngoài dạy 2 tiết/tuần, nhận 200.000 đồng/tháng/người.

Trước những vấn đề HS nêu ra, ông Chương thừa nhận thu nhập giáo viên hiện nay còn thấp. Giáo viên Việt Nam có những người rất giỏi, nhưng nhu cầu giáo viên nước ngoài là có thật ở nhiều trường nên đành chấp nhận thực tế này.

Về vấn đề học sinh đi học thêm, ông cũng khuyên “tôi có thể nói rằng học thêm nhiều, làm quen với nhiều dạng bài tập thì sẽ thi đậu ĐH dễ hơn chứ không có nghĩa là người đó giỏi hơn. Muốn trở thành HS giỏi, không có cách nào khác là tự học và ĐH không phải là con đường duy nhất”.

Câu hỏi khó từ học sinh

Nguyễn Thế Mạnh Tường, HS Trường THPT Nguyễn An Ninh, nêu vấn đề: “HS đi học có nhiều điều sợ: sợ học sinh và sợ kiến thức. Sợ vì nạn bạo lực học đường và sợ vì phải học nhiều quá”.

Theo Mạnh Tường, nhiều HS khác cũng băn khoăn không biết những kiến thức nào là để ra đời và kiến thức nào chỉ thoáng qua. Trong số đó, Tường nhận thấy có nhiều kiến thức phải học thuộc lòng, học vẹt, trả bài và viết vào giấy qua các kỳ thi. Sau đó thì không còn nhớ gì nữa.

“Phải làm sao để ngưng tình trạng HS phải học nhiều quá, nếu không, HS làm sao có thể suy nghĩ thoáng được? Thời gian học kín mít thì suy nghĩ được gì nữa?”, Mạnh Tường đặt câu hỏi.

 

Học sinh đối thoại với lãnh đạo sở giáo dục về học thêm
Quang cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo sở và học sinh tiêu biểu của TP.HCM - Ảnh: Hoàng Quyên

Trong khi đó, Lê Bội San, HS Trường THPT Nguyễn Hiền, cho rằng phải học nhiều môn học quá, thời gian học thì nhiều, chương trình học quá nặng.

“Phải giảm tải bớt những môn học không cần thiết, thêm vào các chương trình kỹ năng sống”, Bội San nói thêm.

Với đề xuất này, ông Chương cho rằng trong mỗi môn học đều lồng kỹ năng sống cho học sinh, những bài toán, những bài dạy môn công nghệ,… đều là kỹ năng sống để học sinh vận dụng khi ra đời.

Nói về tình trạng bạo lực học đường, Nguyễn Phúc Hiếu, HS Trường THPT Tân Phong, đã không ngần ngại cho biết trước cổng trường và xung quanh trường tình hình tệ nạn rất phức tạp. Thậm chí Hiếu từng chứng kiến một số HS mang hung khí sát thương xông vào sân trường.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT, hứa sẽ liên hệ trường học, địa phương, nơi có xảy ra tệ nạn hoặc bạo lực học đường, để giải quyết, giúp học sinh có môi trường học lành mạnh.

Hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với đại diện học sinh tiêu biểu TP.HCM là hoạt động định kỳ của ngành GD-ĐT thành phố.

Năm nay, Tiếng nói học sinh TP.HCM lần thứ 5 diễn ra với các nội dung chính: cuộc vận động “Làm theo lời Bác”; phong trào “Học sinh 3 tích cực”; suy nghĩ của HS trước những vấn đề mang tính thời sự liên quan tuổi học trò như an toàn giao thông, trò chơi trực tuyến, trật tự cổng trường, chương trình học; những thuận lợi, khó khăn và băn khoăn của HS hiện nay về học tập, sinh hoạt, rèn luyện, phát triển kỹ năng, các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường; suy nghĩ của HS trước sự thay đổi của đất nước, của thành phố…

 Hoàng Quyên

>> Đối thoại với sinh viên
>> Học sinh muốn giảm tải chương trình học
>> Dạy thêm, học thêm chỉ là phần ngọn
>> Tìm cách giảm bạo lực học đường
>> Ngăn ngừa bạo lực học đường
>> Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên
>> Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên - Kỳ 2: Để không lãng phí tài năng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.