Học phí trường công bằng trường tư

19/10/2009 00:02 GMT+7

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giảng dạy kém chất lượng nhưng nhiều trường đại học (ĐH) công lập vẫn thu học phí của sinh viên (SV) cao ngất ngưởng và không dựa trên quy định nào. Mời nghe đọc bài

Theo quy định hiện hành thì các trường công lập phải thu học phí theo mức quy định của Nhà nước. Thế nhưng hiện mức học phí  theo quy định  là 240.000 đồng/tháng/SV thì có không ít trường ĐH đã thu tới 500.000 đồng/tháng, bằng mức thu của một số trường ngoài công lập.

“Tiền nâng cao tay nghề...”

Tại trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ngoài việc phải đóng số tiền học phí quy định, SV mỗi tháng còn phải đóng thêm một khoản tiền gọi là “Tiền nâng cao tay nghề và thiết bị cho giảng dạy”. Cụ thể SV theo hình thức học tín chỉ thì phải đóng khoảng từ 120.000 - 125.000 đồng/tín chỉ tùy theo khối ngành bao gồm cả tiền học phí và tiền nâng cao tay nghề. SV của trường này cho biết  trung bình mỗi SV học tín chỉ phải đóng từ 400.000 -500.000 đồng/tháng còn SV học theo hình thức niên chế là 300.000 đồng.

Giải thích với SV về khoản thu ngoài quy định này, nhà trường ghi rõ: "Để tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội với nguồn kinh phí được cấp hiện nay không đủ đáp ứng yêu cầu chi phí, vậy nhà trường phải huy động thêm các khoản chi phí khác, trong đó cần có sự đóng góp của người học ngoài học phí, với mức thu là 750.000 đồng/kỳ (đối với hệ CĐ và 60.000 đến 65.000 đồng/tín chỉ (đối với hệ ĐH)".

“Số tiền mà trường nhận từ ngân sách nhiều năm nay chỉ đủ trả một phần lương giáo viên, chưa nói đến việc phải đầu tư cơ sở vật chất, nên hoạt động của trường dựa chủ yếu trên nguồn tiền SV đóng góp” - Bà Phan Thị Cảnh - Hiệu phó trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

Tại trường ĐH Điện lực Hà Nội, số tiền SV phải đóng đầu năm còn ở mức cao hơn. Ngoài khoản thu học phí là 180.000 đồng/tháng (theo mức quy định cũ của Nhà nước), SV phải đóng thêm 320.000 đồng/tháng tiền kinh phí đào tạo. Ngoài ra là các khoản khác như: tiền vệ sinh môi trường và nước uống, lệ phí an ninh, tiền khám sức khỏe ban đầu, tiền đăng ký hộ khẩu tạm trú, tiền làm thẻ SV, tiền may đo quần áo... với danh mục là 10 khoản thu. Tổng các khoản mà SV phải nộp đầu năm học lên tới hơn 3,4 triệu đồng. Một SV của trường tâm sự: khi nhận được giấy báo nhập học của nhà trường với những khoản thu như vậy, em vô cùng ngạc nhiên vì em nghĩ rằng trường công lập thì phải thu theo quy định của Nhà nước chứ. Nhưng vì ai cũng phải nộp như vậy nên em cũng không dám thắc mắc!

Do không đủ kinh phí đào tạo?

Giải thích với báo chí về những khoản thu không nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đều cho rằng do kinh phí nhà nước cấp mỗi năm không đủ để chi trả cho công tác giảng dạy nên nhà trường phải huy động từ SV. 

Bà Phan Thị Cảnh - Hiệu phó trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp cho biết: số tiền 12 tỉ mà trường nhận từ ngân sách nhiều năm nay chỉ đủ trả một phần lương giáo viên, chưa nói đến việc phải đầu tư cơ sở vật chất, nên hoạt động của trường dựa chủ yếu trên nguồn tiền SV đóng góp!

Đại điện ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết: mỗi năm trường được Nhà nước cấp ngân sách 13 tỉ đồng thì trường đã chi trợ cấp xã hội cho SV hết hơn 5 tỉ, chi học bổng hết hơn 8 tỉ nên không còn tiền để chi lương cho giáo viên và công tác đào tạo.

Tuy nhiên khi được hỏi  tiền học phí của SV đã sử dụng vào việc gì và tiền thu thêm ngoài học phí của SV đã được đầu tư cho công tác đào tạo ra sao thì các trường đều không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. 

Bà Phan Thị Cảnh còn khẳng định: Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp không vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT vì mức tăng học phí tối đa là 240.000 đồng/tháng nhưng trường vẫn giữ nguyên mức học phí cũ là 180.000 đồng/tháng (hệ đại học) và 150 nghìn/tháng (hệ cao đẳng)!

Một điều bất cập hiện nay là mặc dù mức điều chỉnh khung học phí của các trường ĐH công lập đang được thực hiện lại chỉ áp dụng cho việc học niên chế còn thực tế, các trường đã chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Với mức thu theo học chế tín chỉ thì học phí của SV đã "đội" lên gấp đôi khung quy định của Nhà nước.

Khi được hỏi là mức thu như vậy thì có vi phạm hay không, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết: hiện Bộ chưa quy định  mức thu học phí theo học chế tín chỉ mà còn đang xây dựng đề án để áp dụng vào năm 2011. Như vậy, Bộ GD-ĐT cũng không khẳng định được việc các trường thu như vậy có vi phạm hay không, bởi lẽ chính Bộ cũng chưa có quy định.

Phải chăng mức thu và cách tính học phí mới mà Bộ GD-ĐT vừa đề xuất và được chấp thuận áp dụng từ năm học này đã ngay lập tức không phù hợp với thực tế? 

Trong danh mục các khoản thu của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đầu năm học này có: Kinh phí đào tạo học kỳ I (5 tháng) là 2.625.000 đồng, sổ tay học sinh – SV: 20.000 đồng, tiền khám sức khỏe 30.000 đồng, tiền tăng cường tài liệu học tập và thư viện (kỳ 1): 75.000 đồng, tiền bảo hiểm y tế 1 năm: 148.000, tiền bảo hiểm thân thể toàn khóa học: 82.000 đồng, tiền trang phục bảo vệ lao động: 190.000 đồng, tiền nhập học: 30.000 đồng. Tổng số là 3.200.000 đồng. 

Những SV đang học tại trường này cho biết: nhà trường giải thích học phí theo tín chỉ cao (105.000 đồng/tín chỉ) vì trong đó bao gồm cả tiền tăng cường thực hành công nghệ cao và cơ sở vật chất. Vậy, tại sao chúng em vẫn phải đóng thêm khoản tăng cường tài liệu học tập và thư viện là 75.000 đồng một kỳ?

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.