Học không cần thi

28/01/2010 22:58 GMT+7

Ở trình độ lý tưởng, giải pháp học không cần thi hoàn toàn thực hiện được ở bậc tiểu học.

Để làm được điều này, các nhà sư phạm phải thiết kế được việc học của trẻ em theo một chuỗi công nghệ nối tiếp nhau. Học sinh làm được việc 1 thì tự động sang được việc 2 và tiếp tục đến việc kết thúc.

Theo công nghệ đó, nếu giáo viên dạy bỏ tiết, bỏ bài, bỏ buổi thì “lòi” ra ngay, học sinh không học tiếp được. Hệt như trong nhà máy mà bỏ đi một công đoạn sản xuất vậy. Cũng theo công nghệ đó, học sinh có nhiều khả năng và cơ hội tự học. Đó là việc học được đánh giá ngay trong bản thân chuỗi công việc học.

Làm được như vậy, vì bậc tiểu học là bậc học phương pháp học. Đó là điều UNESCO cố sức làm cho cả thế giới chấp nhận từ những tài liệu ra đời giữa thế kỷ trước. Nhưng UNESCO cũng mới chỉ có nổi đường lối. Việc thực thi vất vả nhiều hơn. Hệ thống công nghệ giáo dục ở Việt Nam đã làm được điều này bằng cách thiết kế chuỗi việc làm để học sinh tự thực hiện công cuộc giáo dục. Mà làm thì chính là thực hiện và chiếm lĩnh phương pháp vì làm hoàn toàn khác với nghe giảng thụ động. Không phải ngẫu nhiên mà Công nghệ giáo dục thay khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” bằng khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, vì đó là cái hạnh phúc có thật được “nhân vật chính” của nhà trường phổ thông thực hiện cho chính mình. “Lấy trẻ em làm trung tâm” mà!

Các em được tự mình đến với trí tuệ thời đại mà không mảy may cảm thấy bị trói buộc. Cái hạnh phúc khám phá trí khôn thời đại mà cứ có khám phá trước thì mới đẻ ra được cái tiếp theo, hoàn toàn không cầu may. Càng không có nhu cầu học thêm. Công nghệ giáo dục là hệ thống phản đối trường chuyên, lớp chọn, không có chế độ “trường điểm”. Vì giáo dục - đặc biệt ở tiểu học - là bình đẳng cho mọi người.

Bên cạnh kỹ thuật đánh giá nằm ngay trong tiến trình học, cũng vẫn có đánh giá kiểu “kiểm tra”, việc làm đó nằm ở từng khúc cần thiết ngay trong bản thiết kế, hệt như kiểm tra chất lượng của nhà máy (OTK). Qua “OTK”, học sinh được xếp thành hai loại, loại A là “biết làm” và loại B là “đến gần vùng biết làm” và phát hiện đó buộc giáo viên phải có trách nhiệm giúp các em loại B cũng biết làm như loại A. Nếu tinh ý ta sẽ thấy, kiểm tra theo cách này, công việc đã nghiêng về đánh giá giáo viên hơn là chăm chăm đánh giá những học sinh tội nghiệp.

Việc đánh giá không cho điểm, không thi cử như trên có thể dễ dàng thực hiện ở những môn học thuộc khoa học tự nhiên (nhất là Toán), kỹ thuật (nhất là Tin học). Với bộ môn nghệ thuật thì có khó hơn, nhưng cũng thực hiện được quy chế đánh giá đó. Trước một sản phẩm như bài văn hoặc bức tranh của học sinh, giáo viên chỉ cần chia sẻ những cảm nghĩ của mình với “tác giả” là đủ. Cách đánh giá đó dựa cơ sở trên chân lý này: khái niệm khoa học thì khách quan và chung cho cả giáo viên lẫn học sinh nên có thể dùng “điểm” A hoặc B, còn sản phẩm tình cảm nghệ thuật là chủ quan và không nhất thiết phải chung giữa thầy và trò, càng không nhất thiết thầy thì cao hơn trò, vì thế mà biên độ “tự do” được nới rộng hơn hẳn.

Dĩ nhiên, cuối bậc phổ thông vẫn cần đánh giá tổng kết một đoạn đời học đường. Có một cách làm sau: tổ chức hội đồng đánh giá ở từng trường, từng lớp, gồm tập thể học sinh, phụ huynh học sinh và hội đồng giáo viên. Các thành phần hội đồng đó sẽ xét từng học sinh, từng học sinh cũng tự nhận xét mình, kết quả cuối cùng là gợi ý công việc vào đời của mỗi học sinh. Vì “bình tuyển” đó có thể đi kèm với một số bài thi dạng cổ điển, chẳng sao hết.

Không chú ý đến định hướng đúng cho cải cách giáo dục thì không thể biến một tổ chức như cục khảo thí hay ngân hàng đề thi thành những công cụ tiến bộ, vì đó vẫn là biểu hiện của một thứ tư duy thi cử rất cũ.

Phạm Toàn
(Nhà nghiên cứu giáo dục)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.