Học đại cương quá nhiều

02/08/2012 03:50 GMT+7

“Nhiều SV ngành công nghệ đặt câu hỏi vì sao chương trình bắt vặn cờ - lê và hàn nhiều thế? Sao học chương trình đại cương quá nhiều?”. Các câu hỏi khiến nhà đào tạo phải suy nghĩ.

Đó là phát biểu của tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tại hội thảo “Nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ” diễn ra ngày 31.7, tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.

Tham dự có nhiều nhà giáo dục, nhà quản lý khối ngành công nghệ. Tất cả đều có chung nhận xét: sinh viên đang xa dần với ngành này.

Theo GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, thống kê từ trang web tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cũng như một số trang web khác cho thấy hơn 60% số lượng người tham gia trả lời cho rằng ngành nóng nhất hiện nay vẫn là tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Không nhiều học sinh lựa chọn ngành công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, GS Phạm Phụ đã chỉ ra nguyên nhân khiến ít thí sinh lựa chọn khối ngành này là quá trình học khó khăn, cơ hội việc làm và thăng tiến thấp hơn so với nhiều ngành được xem là thời thượng khác… Đồng ý kiến, là người trực tiếp giảng dạy và quản lý, tiến sĩ Lê Minh Ngọc, Trưởng khoa Cơ khí Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nói: “Chúng ta phải có chính sách để khuyến khích SV vào học. Đó là học bổng, cơ hội việc làm cao, thậm chí họ sẽ có vị trí tốt sau khi ra trường. Khi ngành này làm ông chủ khó hơn ngành khác, người ta có quyền chọn lựa nơi tốt hơn”.

Cách đào tạo chưa tốt của các trường cũng là nguyên nhân khiến SV xa dần ngành công nghệ. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Từ các câu hỏi của SV, trường đã tham khảo và rút gọn từ 220 tín chỉ xuống 150 tín chỉ của ngành học. Cách làm linh hoạt này giúp SV yêu thích môn học hơn”.

Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng sân chơi công nghệ dành cho SV đang ít dần, chưa có cuộc thi nào đủ hấp dẫn để khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật của sinh viên. Trong khi, lòng đam mê sẽ khiến giới trẻ theo đuổi khoa học công nghệ suốt đời.

Theo ông Trần Anh Tuấn, số lượng SV ra trường hằng năm khoảng 55.000 - 60.000 người, trong đó SV thuộc lĩnh vực công nghệ chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, thị trường lao động TP.HCM luôn thiếu lao động qua đào tạo ngành công nghệ có tay nghề giỏi.

Đăng Nguyên

>> Học làm nhà quản lý
>> Đổi mới phương pháp dạy học: Giáo viên cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý
>> Đào tạo 20.000 nhà quản lý giáo dục chất lượng cao
>> Hôm nay là diễn viên, mai thành nhà quản lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.