Giúp trẻ vượt qua “ải lớp 1”

21/08/2009 23:19 GMT+7

“Cửa ải lớp 1” là cụm từ các nhà tâm lý học dùng để chỉ bước ngoặt trong quá trình phát triển của trẻ em, đồng thời cũng thể hiện những khó khăn tâm lý mà trẻ gặp phải khi bắt đầu bước vào cuộc đời học sinh (HS).

Những nỗi lo liên quan đến giáo viên

TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học lâm sàng (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cho rằng, có những thay đổi rất mạnh mẽ trong cuộc sống của trẻ lớp 1. Đó là sự chuyển đổi hoạt động từ mẫu giáo lên tiểu học, sự thay đổi và mở rộng các mối quan hệ xã hội... Tất cả những thay đổi này đòi hỏi trẻ phải thích nghi với cuộc sống học đường, nơi mà trẻ phải tuân thủ các nguyên tắc mới, phải tiếp nhận hàng loạt các chuẩn mực hành vi mới. Chính những điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các khó khăn học đường nói chung và rối loạn nói riêng của HS lớp 1.

Cha mẹ không nên quá kỳ vọng về điểm số của con, đặc biệt là điểm tập viết. Không nên tỏ ra thất vọng hay mắng trẻ, hay lo sợ vì trẻ viết chưa đẹp”
PGS-TS Nguyễn Công Khanh
TS Nguyễn Thị Minh Hằng đã chỉ ra rằng: trong số những trẻ có biểu hiện lo âu khi mới bước vào lớp 1 thì có tới 66,3% trẻ liên quan đến mối quan hệ với giáo viên. Bà Hằng phân tích: đối với trẻ lớp 1 nói riêng và tiểu học nói chung thì mối quan hệ với giáo viên được đặc trưng bởi cảm xúc khác nhau như trẻ rất yêu mến cô giáo của mình, hành động và lời nói của cô giáo gần như có uy quyền tuyệt đối với trẻ, có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và cảm xúc của trẻ...

Theo PGS-TS Nguyễn Công Khanh (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), những lời nhận xét không tốt của cô giáo (viết ẩu, chữ xấu, cẩu thả, viết lại...) và những điểm kém cho các bài tập viết, bị cô chê nhiều hơn khen làm cho trẻ buồn chán, lo sợ và dễ mất tự tin.

Không nên chê bai trẻ

 Có những thay đổi rất mạnh mẽ trong cuộc sống của trẻ lớp 1

Có những thay đổi rất mạnh mẽ trong cuộc sống của trẻ lớp 1

PGS-TS Nguyễn Công Khanh khuyên các bậc phụ huynh: khi thấy trẻ có dấu hiệu không thích đến trường, bố mẹ cần trao đổi với cô giáo của con mình. Thường trẻ sợ học vì không nhận được lời động viên, khuyến khích kịp thời từ cô, từ bố mẹ; trẻ cảm thấy môi trường học xa lạ, khó hòa nhập, trẻ không có bạn. Nhiều trẻ khóc mếu vì không hoàn thành bài tập, sợ cô mắng không dám đi học. Ở lớp trẻ viết xấu, tẩy xóa bị cô phạt, thậm chí đánh vào tay... cứ như vậy nên mỗi khi nghĩ đến việc viết bài trẻ bắt đầu thấy sợ. Đã vậy, cô giáo chấm điểm kém, và nhận xét rất nghiêm khắc làm cho trẻ rất thất vọng, không tin mình có khả năng.

Cũng theo PGS-TS Khanh, để giúp trẻ, giáo viên và cha mẹ không nên chê bai trẻ,  tránh cho trẻ điểm kém, đặc biệt là với môn tập viết. Giáo viên không nên nhận xét âm tính nhiều quá như: con viết ẩu, viết láu, lười... Nhận xét như vậy chỉ càng làm cho các em không tự tin, không hứng thú học tập. Nếu có những lời nhận xét như vậy, phụ huynh thay vì mắng trẻ, hãy giúp con trẻ. Cha mẹ  không nên quá kỳ vọng về điểm số của con, đặc biệt là điểm tập viết. Không nên tỏ ra thất vọng hay mắng trẻ, hay lo sợ vì trẻ viết chưa đẹp. Quá trình tập viết diễn ra lâu dài. Những tuần đầu, tháng đầu, các em học vẽ chữ, tô chữ cho nên các em viết chưa đúng, chưa đẹp là bình thường. Nhà trường không buộc giáo viên và HS kỳ đầu lớp một phải tuân thủ các yêu cầu vở sạch chữ đẹp, vì điều này thực sự làm hại trẻ hơn là có lợi. Cả cô giáo, cha mẹ không vì lo rèn nền nếp mà gò trẻ để rồi làm thui chột sự phát triển. Người lớn cần nhẹ nhàng, phải động viên, cổ vũ hết sức, không chê bai trẻ trong bất kỳ tình huống nào.

 

Nhận xét phải giúp học sinh tự tin

Theo dự thảo quy định về đánh giá xếp loại đối với HS tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố: đánh giá và xếp loại kết quả đạt được của giáo viên cần coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của HS, không tạo áp lực. Khi đánh giá cần chú ý đến quá trình tiến bộ của HS, giúp đỡ HS tự tin trong rèn luyện. Giáo viên phối hợp với cha mẹ HS để thống nhất các biện pháp giáo dục HS. Nhận xét của giáo viên về sự tiến bộ của HS hoặc những điểm học sinh cần cố gắng, không dùng những từ ngữ gây tổn thương HS; không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của từng HS”.

(Ông LÊ TIẾN THÀNH - Vụ trưởng Vụ GD tiểu học - Bộ GD-ĐT)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.