Giúp trẻ thân thiện với bạn

02/01/2014 03:10 GMT+7

Đến đón con ở trường mầm non, chị Nguyễn Thị Diệu Thúy, giáo viên Trường tiểu học Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, Hà Nội, hốt hoảng khi thấy trên tay con gái 3 tuổi đầy những vết răng, bên đuôi mắt bé cũng có một vài vết xước rớm máu nhẹ. Khi mẹ hỏi, cô bé khóc òa lên và nói “bạn H. đánh và cắn con” và nhất quyết “mai con không đi học nữa đâu, bạn ấy lại đánh con nữa”.

Giúp trẻ thân thiện với bạn
Tập thói quen chia sẻ đồ chơi sẽ giúp trẻ loại trừ việc bắt nạt lẫn nhau - Ảnh: Nguyễn Tú Lan 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần ý tưởng Việt, cho rằng có 2 nguyên do khiến trẻ bắt nạt bạn: Tính cách của trẻ bị ảnh hưởng từ môi trường sống mà ở đó người lớn là tấm gương xấu. Hoặc do trẻ được nuông chiều, muốn gì được đó nên khi không được như ý muốn thì trẻ sẽ mè nheo, nhõng nhẽo hoặc dùng “vũ lực” để đạt được điều mình muốn.

Đề cao vai trò của việc giáo dục trong gia đình, luật sư Lâm Vũ Thao, tác giả cuốn sách Thư gửi con từ phòng họp, khẳng định: “Hành vi ứng xử của bố mẹ luôn có ảnh hưởng rất lớn đến cách hành xử của trẻ. Bố mẹ luôn khuyến khích con hòa nhã với bạn bè thì sẽ ít xảy ra trường hợp con bắt nạn bạn. Hay việc tạo dựng cho con tính năng động, tự tin thì con sẽ khó bị bắt nạt hơn”. Trẻ con chọc ghẹo nhau là chuyện thường, nhưng trẻ nào ý thức được mình là kẻ mạnh sẽ có khuynh hướng bắt nạt bạn, còn trẻ yếu đuối, khép kín lại dễ trở thành đối tượng bị bắt nạt. Ông Thao khuyên: “Bố mẹ theo sát con, luôn dành thời gian cho con thì sẽ có thể điều chỉnh hành vi của con kịp thời, ví dụ như trẻ nhút nhát, hiền lành quá thì nên cho con đi chơi nhiều hơn, giao tiếp với nhiều người hơn để dạn dĩ, tự tin hơn”.

Bài học muôn thuở là hãy giáo dục bằng cách cho trẻ những thứ hợp lý chứ không phải cho tất cả những thứ trẻ muốn. Tránh tuyệt đối việc hình thành mối liên hệ giữa những thói quen xấu với việc đạt được mục đích (quà bánh, đồ chơi...) bằng cách có thái độ kiên quyết và giải thích mềm mỏng để trẻ có thể hiểu và chấp nhận. Ngoài ra, bà Trang Nhung tư vấn tránh hướng dẫn trẻ kiểu “bạn đánh con thì con đánh lại bạn”, như vậy chỉ làm phát sinh thêm hung tính cho trẻ. Thay vào đó, hãy hướng dẫn cho trẻ cách xử lý vấn đề bằng cách trò chuyện hoặc đặt vấn đề giả định kiểu như: Nếu Bin bị bạn cắn thì Bin sẽ làm gì? Bin có nên cắn lại bạn không? Theo Bin thì vì sao Bin bị bạn cắn?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với trẻ bắt nạt và bị bắt nạt, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen chia sẻ đồ chơi để trẻ có thể chơi cùng nhau. Chính thói quen nhường nhịn nhau này là chìa khóa quan trọng để hình thành thói quen chia sẻ, đồng cảm với người khác - một trong những nhân tố vàng để loại trừ việc bắt nạt lẫn nhau, giúp trẻ có thể hòa đồng với các bạn tốt hơn.

Bích Thanh

>> Lỗi hệ thống trong quy hoạch trường mầm non
>> Tặng trường mầm non
>> Thêm trường mầm non từ tiền tài trợ
>> Chấm dứt sử dụng tài liệu dạy viết chữ ở trường mầm non 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.