Giáo viên bật khóc vì thương hoàn cảnh học sinh

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/09/2021 06:28 GMT+7

Sau cuộc gọi với phụ huynh, cô giáo bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ. Vì thế, dù đang ăn cơm, đang chợp mắt hay làm bất cứ việc gì, hễ có điện thoại của phụ huynh hay học sinh là giáo viên lại dừng mọi việc để hỗ trợ, trả lời thắc mắc…

Hỗ trợ phụ huynh, học sinh bất cứ lúc nào

Cô Phan Thị Diễm Trang, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 3/7, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM, nghẹn ngào kể: “Trong lớp tôi có một học sinh phải đi cách ly với mẹ do bị dương tính với Covid-19. Sau đó, mẹ của em đã không qua khỏi. Chính mắt em chứng kiến giây phút mẹ ra đi nên khi trở về nhà, tâm lý em bị ảnh hưởng, tinh thần luôn hoảng loạn. Khi tôi gọi điện cho ba em để phổ biến chuyện học trực tuyến và tính trao đổi với anh về việc hỗ trợ bé trong giai đoạn hết sức khó khăn này, thì phụ huynh cáu gắt, bực bội nói “học hành gì lúc này”.
Lúc đó, tôi lặng người đi, không phải vì giận ba của bé, mà vì tôi thấu hiểu phụ huynh và học sinh của mình đang phải trải qua một nỗi đau quá lớn nên mới như vậy. Tôi nói anh cố gắng bình tâm và vượt qua, tôi sẽ gọi lại sau. Kết thúc cuộc gọi, tôi bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ”.
Còn rất nhiều trường hợp khác khiến cô Diễm Trang cảm thấy nhói lòng sau khi biết được hoàn cảnh. Chẳng hạn có học sinh đang ở trong khu phong tỏa, gia đình lại khó khăn không thể đi mua thiết bị cho con học trong thời điểm này. Có học sinh ở nhà trọ, ba mẹ đi làm, chỉ có duy nhất chiếc điện thoại thông minh nhưng nhà lại có đến 3 chị em. Có học sinh ba mẹ đi vắng, một mình ở phòng trọ, tự học. Có em xuất hiện trên camera trong một chiếc chòi che tấm bạt…
“Thương lắm! Cho nên dù ban đầu phụ huynh tỏ thái độ khó chịu khi nói về việc học trực tuyến, tôi vẫn thấy thương. Rất may sau khi trao đổi, phụ huynh cuối cùng cũng hợp tác. Những em hoàn cảnh khó khăn như vậy, nếu không thể tham gia lớp học, tôi vẫn hằng ngày gửi các clip quay lại bài giảng để các em xem. Bất cứ lúc nào phụ huynh hay học sinh cần hỗ trợ, tôi đều luôn sẵn sàng. Cho dù lúc đó đang ăn hay đang ngủ, tôi cũng lập tức giải đáp, hướng dẫn”, cô Diễm Trang chia sẻ.

Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn

Cô Nguyễn Mai Hân, GV một trường THCS ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng cho rằng những áp lực mà GV gánh trên vai khi dạy trực tuyến không hề nhỏ. Không chỉ vấn đề thời gian, công sức mà còn về tâm lý. “Thực sự GV phải có tinh thần thép mới có thể không bị… tẩu hỏa nhập ma, khi mà mỗi lần sắp đến giờ học hay đang trong tiết học, học sinh lẫn phụ huynh vừa nhắn tin, vừa gọi điện thắc mắc liên tục: “Cô ơi, sao em bật camera không được?”, “Cô ơi, sao màn hình của em tối thui”... Rồi đang học thì có học sinh máy hết pin nên rời lớp, đường truyền yếu nên cả lớp nghe giọng cô như bị cà lăm. Khi giải quyết xong cho em này thì em khác lại trục trặc, loay hoay một hồi là hết tiết”, cô Mai Hân chia sẻ.
Sau giờ học, cô Mai Hân phải tiếp tục trả lời học sinh, phụ huynh về bài giảng, về các trục trặc của phần mềm học trực tuyến, về thiết bị, đường truyền. Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn, vừa lau nhà vừa nghe điện thoại… là chuyện thường ngày của cô.
Ngoài ra, việc chuẩn bị bài giảng trên phần mềm Power Point cũng tốn rất nhiều thời gian so với việc dạy trực tiếp trên lớp, nhất là với GV lớn tuổi, ít tiếp cận với công nghệ.
Cô H.T.T, GV Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay: “Soạn Power Point xong còn phải chuyển sang dạng video để cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến xem lại. Bên cạnh đó, GV cũng phải soạn phiếu bài tập, các bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức… sao cho HS dễ dàng thực hiện trong giờ học. Thời gian qua, tôi phải lọ mọ tìm hiểu các phần mềm Zoom, Google Meet... để xem cái nào dễ sử dụng nhất đối với học sinh, mà mỗi app lại có một ưu nhược điểm khác nhau. Để quyết định chọn ra được một cái cũng khiến GV nhức đầu, chóng mặt”.

Cô bé không tay không chân vỡ òa nhận máy tính học online

Cô Nguyễn Hà Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, cho biết GV còn có một áp lực khác nữa khi dạy trực tuyến, đó là tham gia lớp học không chỉ có học sinh mà còn có cả phụ huynh. “Có khi cả ba, mẹ, ông, bà học sinh ngồi bên cạnh nên GV sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Thời gian và công sức GV dành cho việc dạy trực tuyến là gấp đôi, gấp ba bình thường. Chúng tôi cũng mong phụ huynh thấu hiểu những khó khăn và vất vả của GV, giúp GV và nhà trường hỗ trợ con mình học trực tuyến hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, giúp các con không bị gián đoạn việc học và rèn luyện được kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh”, cô Phương Thanh chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.