Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống - Kỳ 3: Không tốn tiền vẫn có kỹ năng

22/03/2012 03:17 GMT+7

Người trẻ vẫn có thể rèn luyện kỹ năng ở những môi trường đa dạng, không nhất thiết phải đổ xô tới điểm quảng bá chuyên dạy kỹ năng sống (KNS).

Người trẻ vẫn có thể rèn luyện kỹ năng ở những môi trường đa dạng, không nhất thiết phải đổ xô tới điểm quảng bá chuyên dạy kỹ năng sống (KNS).

>> Giáo dục hay nhồi nhét kỹ năng sống (Kỳ 2)

Trui rèn qua câu lạc bộ

Vào chủ nhật hằng tuần, nhiều người dân tại TP.HCM đã quen với hình ảnh những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sao Bắc Đẩu nai nịt gọn gàng, sinh hoạt ở những công viên như: Tao Đàn, Gia Định, Hoàng Văn Thụ…

Anh Huỳnh Toàn - Trưởng khoa Huấn luyện kỹ năng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu cho biết: “CLB này trực thuộc Hội LHTN TP.HCM, ra đời vào năm 2007 với vỏn vẹn 24 thành viên ban đầu. Hiện Sao Đắc Đẩu đã thu hút trên 2.000 thành viên ở độ tuổi từ 5 đến 75 tham gia thường xuyên, trong đó đa số là học sinh (HS)”.

Theo anh Huỳnh Toàn, CLB này thường thiết kế hoạt động dựa vào tính lịch sử - cộng đồng và những sự kiện xã hội. Chẳng hạn, trong mùa vu lan báo hiếu, Sao Bắc Đẩu tổ chức những buổi sinh hoạt về cách học làm người lớn, cách báo hiếu cha mẹ. Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động ở các sự kiện khác như: ngày Quốc tế Thiếu nhi, Noel, Halloween, tết Nguyên đán…

Với nhiều phụ huynh, sân chơi miễn phí này đã và đang đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của con em họ theo chiều hướng tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Lan Anh (ngụ ở P.2, Q.5), có con trai là Vũ Nguyễn Gia Bảo (6 tuổi) tham gia sinh hoạt trong Sao Bắc Đẩu khoảng một năm nay, đã chia sẻ: “CLB rèn cho các bé nhiều kỹ năng hữu ích, nhất là tính tự lập. Tới ngày sinh hoạt, Bảo tự động xách ghế ra và chuẩn bị các thứ để mẹ đưa đến công viên. Bé còn biết tháo - thắt nút dây giày, biết quét nhà…”. Bà Lê Thị Thi (61 tuổi, ngụ P.5, Q.3), người “tiến cử” cháu ngoại tên Huy (6 tuổi) đến với CLB này, bộc bạch: “Thời trước, chúng tôi làm gì có những trung tâm, những lớp dạy kỹ năng như bây giờ để học? Chủ yếu là tự trang bị và nhất là thông qua những trò chơi dã ngoại mà thôi. Theo tôi, những điều Sao Bắc Đẩu truyền đạt rất gần gũi, giúp các cháu phát triển tư duy, học hỏi nhiều điều, có thể tránh xa những tệ nạn xã hội…”.


Thành viên CLB Sao Bắc Đẩu sinh hoạt miễn phí tại Công viên Tao Đàn, TP.HCM sáng 5.2 - Ảnh: N.Lịch

Học từ cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Cải - Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM), Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2010, thẳng thắn nhìn nhận: “HS của chúng tôi ở vùng nông thôn, ngoại thành nên không có điều kiện đến những trung tâm KNS để học một cách bài bản, tốn kém. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các em không có KNS”. Dẫn chứng bản thân mình và bạn bè vốn là những người từng học tập, trưởng thành ở vùng ngoại thành, ông Cải tự tin khẳng định: “Hầu hết các bạn đồng lứa với tôi vẫn có những kỹ năng làm hành trang vào đời một cách vững vàng”. Theo ông Cải, tại Trường THPT Quang Trung, KNS thường được lồng ghép trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp và sinh hoạt tập thể. Theo đó, HS có điều kiện rèn kỹ năng nói chuyện trước công chúng (bằng cách phát biểu hay thuyết trình một vấn đề cụ thể), kỹ năng quản trò, kỹ năng ứng xử tình huống… “Tôi cho rằng KNS là những cái tích lũy, trui rèn được thông qua hoạt động thực tiễn, qua sinh hoạt cộng đồng. Đó là những điều rất gần gũi, thiết thân với cuộc sống” - ông Cải đúc kết. Đồng tình với quan niệm này, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận định: “Kỹ năng thực ra là những điều gần gũi, rất dễ tiếp cận ngay xung quanh chúng ta. Nếu dạy KNS mà cứ theo kiểu học thuộc lòng thì khi ra thực tiễn, chắc chắn sẽ... chẳng nhớ gì”.

Gia đình và nhà trường là quan trọng

 “Hiện nay, có khá nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hơn chục triệu đồng cho con học trong vài ngày hoặc một tuần về KNS. Phụ huynh đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào việc cho con đi học KNS để có kỹ năng. Chẳng qua đó chỉ là cơ hội để thực tập, hòa nhập, cọ xát trong môi trường sinh hoạt tập thể trong vài ngày mà thôi. Gia đình, nhà trường vẫn là trên hết. Cha mẹ, thầy cô có thể điều chỉnh, hướng dẫn cho các em bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng nữa là cách sống của người lớn ảnh hưởng đến người trẻ”.

NGUYỄN THỊ THANH THÚY
- Hội trưởng hội quán Các bà mẹ

Cần quá trình lâu dài

“Việc cấp chứng chỉ KNS tràn lan như hiện nay dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng có chứng chỉ là đã hoàn thành rèn luyện kỹ năng. Thực ra, việc rèn luyện không phải là ngày một ngày hai mà cần lâu dài. Những chứng chỉ KNS khó thể hiện thực chất bởi hiện nay vẫn chưa xác định đơn vị nào sẽ quản lý, thẩm định các chương trình dạy KNS”.

Ông TRẦN ANH TUẤN
- Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM

Phụ huynh nên tỉnh táo

“Bản thân một số người trong nghề tư vấn - đào tạo KNS chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm nhưng lại đi rao giảng cho người khác. Phụ huynh thường giao khoán con em mình cho những trung tâm dạy kỹ năng và không có biện pháp can thiệp trong khi chính họ rành về con em mình nhất. Phụ huynh không nên bù đắp sự bận rộn của mình bằng những cái danh, bằng chứng chỉ học này học kia cho con em mình”.

Diễn giả TRẦN ĐÌNH TUẤN
- Công ty tư vấn và đào tạo Cuộc Sống Đúng Nghĩa

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.