Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội quan tâm

05/09/2012 03:20 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) đã chia sẻ với bạn đọc Thanh Niên nhiều vấn đề quan trọng mà ngành sẽ triển khai trong năm học này.

Xin ông cho biết, trước thềm năm học mới, vấn đề gì mà ông - với tư cách là người đứng đầu ngành GD-ĐT còn trăn trở, lo lắng?

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, ngành GD-ĐT vẫn còn tồn tại những bất cập, yếu kém như: chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu; đời sống của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em HS, sinh viên, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; điều kiện để đảm bảo và nâng cao chất lượng GD-ĐT còn hạn chế; quản lý nhà nước về giáo dục tuy đã có những đổi mới về tư duy và hành động, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, kém hiệu quả.

Một số vấn đề bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội vẫn chưa được khắc phục, giải quyết triệt để như tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, thu góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận HS, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…

Ông có chỉ đạo gì để ngành GD-ĐT có thể giải quyết được những bức xúc kéo dài, trong đó có những việc cụ thể như quá tải ở bậc phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa phản ánh đúng thực chất ở một số địa phương?

Chúng tôi tập trung làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại chậm được khắc phục trong ngành, từ đó có những giải pháp khắc phục triệt để. Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề được xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, có biện pháp tích cực để khắc phục những bất cập và tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT.

Tiếp tục điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho HS, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Khắc phục một bước tình trạng nội dung giảng dạy vượt quá khả năng nhận thức của HS và trùng lặp giữa các môn, giữa các lớp trong cùng môn ở tất cả các môn học, để giáo viên có thời gian bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém.
Đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng giao quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các sở GD-ĐT. Đổi mới cách ra đề thi, nhất là các môn tự luận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng mở có chú ý phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của HS và gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.

Tạm dừng thành lập mới trường đại học

Bộ GD-ĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc xem xét việc thành lập mới các trường ĐH, CĐ để chuẩn bị quy trình thành lập mới theo hướng nâng cao yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

>> TP.HCM: Tập trung xử lý các vấn đề xã hội bức xúc
>> Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX: Phải thể hiện tính chiến đấu của Đoàn đối với các vấn đề xã hội
>> Đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục
>> Xã hội hóa giáo dục sẽ được tiếp thêm sức mạnh mới
>> Xã hội hóa giáo dục: Bao giờ thoát khỏi "vòng luẩn quẩn"?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.