Đừng dùng tiền theo quán tính

08/05/2012 03:58 GMT+7

Quản lý tài chính cá nhân là kỹ năng hết sức cần thiết trong cuộc sống hiện đại đối với người trẻ.

Đừng dùng tiền theo quán tính
SV tham gia phần thi “Hoạch định chi tiêu” tại hội thảo “Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân” do T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: L.Thanh 

Bạn ra trường, có công việc ổn định với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Vậy bạn hãy lập kế hoạch để chi tiêu và sử dụng khoản tiền này trong một tháng như thế nào sao cho hợp lý nhất. Với tình huống này, Nguyễn Thị Anh Thư - SV Trường ĐH Luật TP.HCM và Phạm Tuấn - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã dùng hết tiền trong một tháng. Trong khi đó, nhờ vạch ra kế hoạch chi tiêu hợp lý, Nguyễn Thị Thanh Thủy - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - không những gửi về cho bố mẹ ở quê được 4 triệu đồng mà còn “bỏ ống” 2 triệu đồng cho riêng mình.  

Quản lý tài chính cá nhân

Vậy làm thế nào để bạn trẻ có thể quản lý tài chính của mình một cách tốt nhất? Anh Huỳnh Song Hào - Phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh TP.HCM) - khuyên: “Với một khoản thu nhập cố định hằng tháng như thế, các bạn nên lập ra kế hoạch chi tiêu thật cụ thể và càng chi tiết càng tốt. Tuy nhiên, nếu không chi tiết thì cũng nên ưu tiên chi vào 3 khoản chính sau: thứ nhất, cho việc chi tiêu cố định hằng tháng (trả tiền nhà trọ, điện, nước, tiền ăn); thứ hai, dành cho những khoản thay đổi (mua sắm, giao lưu với bạn bè) và thứ ba, nên trích ra từ 10 đến 15% thu nhập để gửi tiết kiệm. Đây là khoản tiền tích lũy để chúng ta dùng vào những việc quan trọng nhất khi thật sự cần đến”.

Chị Nguyễn Thị Bạch Hường - làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu tại Q.1 - chia sẻ: “Thu nhập của mình rất khá nhưng cứ thích mua sắm gì là mua chứ chẳng có kế hoạch chi tiêu cụ thể. Vì vậy, lương lãnh tháng nào là xài hết tháng đó mà chẳng tích lũy được đồng nào. Kinh nghiệm bản thân cho thấy, đừng bao giờ xài tiền theo quán tính mà tất cả phải có kế hoạch thật cụ thể. Khi bạn muốn mua một món đồ gì thì phải lập kế hoạch chi tiêu cho khoản mua sắm đó. Phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua và xem món đồ đó có thực sự cần thiết với nhu cầu hiện tại của mình hay chưa để tránh lãng phí”.

Lê Hoa Sao Minh - SV năm 2, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: “Mỗi người có cách cân đối tài chính và kế hoạch chi tiêu khác nhau. Riêng bản thân mình được gia đình chu cấp mỗi tháng 3 triệu đồng nhưng do ý thức mọi thứ bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, nên khi nhận được tiền của bố mẹ ở quê gửi lên, bao giờ mình cũng liệt kê ra những khoản tiền cần chi trong một tháng và theo đó thực hiện”. 

Cần tạo thói quen

Nếu không có thói quen trong việc quản lý tài chính cá nhân cũng như lập kế hoạch chi tiêu hằng tháng cho mình, bạn trẻ sẽ sớm rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Hải Yến - SV năm nhất, Trường ĐH Tự nhiên TP.HCM - kể: “Mình không tiêu xài hoang phí nhưng tháng nào cũng thiếu tiền”. Hỏi người bạn cùng phòng trọ mới biết, Yến có thói quen mua sắm thời trang và mỗi khi nhận được tiền của bố mẹ ở quê gửi lên thì Yến thường đi mua vài món đồ. Nhiều khi quần áo mua về treo trong tủ hoài mà không mặc đến.

Còn Lê Quang Tuấn - SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - tâm sự: “Mình ở chung phòng trọ với một bạn SV của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mặc dù mỗi tháng bạn ấy được gia đình chu cấp tiền nhiều hơn so với những người bạn cùng phòng, nhưng do không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng nên hầu như tháng nào cũng thấy bạn ấy mượn tiền hết người này đến người khác”.

Việc không có kế hoạch chi tiêu hợp lý không những khiến bạn thiếu trước hụt sau mà hệ quả của nó còn nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến việc học tập.

Nguyễn Văn Thắng - SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - kể: “Trước đây mình ở chung trọ với một bạn SV cùng trường. Do bạn ấy ăn xài không căn bản, chi quá nhiều cho chuyện “tình phí”, vì thế mặc dù gia đình gửi tiền lên để xài nguyên tháng nhưng mới khoảng 10 ngày hoặc nửa tháng đã hết sạch. Không có tiền chi tiêu, thế là bạn ấy lao vào làm thêm rồi lơ là việc học, dẫn đến kết quả học tập sa sút, thi rớt và nợ môn học liên tục”.

Lê Thanh

>> Nhận tiền tỉ vẫn khổ
>> 40 triệu thẻ chỉ để rút tiền mặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.