ĐH Công nghiệp TP.HCM được cấp phép đến đâu?

13/11/2010 01:05 GMT+7

Ngày 9.11, Báo Thanh Niên khởi đăng loạt bài Bát nháo chương trình liên kết, trong đó có đề cập đến 3 chương trình của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và việc lãnh đạo trường tránh né trả lời báo chí. Sau đó, hiệu trưởng trường đã có buổi làm việc với PV Thanh Niên để trao đổi.

Ông Tạ Xuân Tề, Hiệu trưởng, cho biết trường đang triển khai chương trình liên kết với 3 trường nước ngoài (như báo đã nêu) nhưng tất cả chương trình này đều có đầy đủ đề án, giấy phép… Nhà trường có lỗi là chậm báo cáo để đưa lên website của Bộ GD-ĐT (!). Ông Tề đồng thời đưa ra những tài liệu chứng minh cho sự hợp pháp của những chương trình đó. Tuy nhiên, sau khi xác minh những tài liệu mà trường cung cấp, chúng tôi nhận thấy nội dung những văn bản này khác so với việc trường thực hiện.

Thứ nhất là chương trình liên kết với TafeSA - Úc (trước đây là trường ĐH Công nghệ Victoria và Học viện Kỹ thuật Douglas Mawson - viết tắt là DMIT, bang Nam Úc). Theo văn bản của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Vũ Ngọc Hải ký ngày 3.5.2000 thì chỉ cho phép liên kết với trường ĐH Công nghệ Victoria để mở các khóa cấp bằng CĐ về Công nghệ thông tin, Công nghệ hóa học, Kỹ thuật môi trường, Cơ khí chính xác, Điện-Điện tử, Kinh tế và quản lý. Còn việc liên kết đào tạo với DMIT - bang Nam Úc, công văn này nêu rõ do Bộ GD-ĐT chưa ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với chính quyền bang Nam Úc nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai hợp tác.

Điều đáng nói là ở điểm 1, điều 36, chương VI Nghị định 18 của Chính phủ ban hành vào năm 2001 quy định: “Các cơ sở văn hóa - giáo dục nước ngoài đã được Chính phủ VN cho phép thành lập trước khi ban hành Nghị định 18 không phải xét duyệt lại, nhưng phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nghị định này có hiệu lực…”. Tuy nhiên, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không báo cáo bổ sung hồ sơ, điều chỉnh giấy phép. Do vậy, biên bản kiểm tra các chương trình liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài của Bộ GD-ĐT với trường ĐH Công nghiệp TP.HCM do Phó chánh thanh tra Trần Bá Giao ký ngày 14.6.2006 vẫn yêu cầu trường phải có hồ sơ xin phép liên kết đào tạo với DMIT để gửi Bộ GD-ĐT.

Thứ hai là chương trình liên kết với Viện Khoa học công nghệ ứng dụng Saskatchewan (SIAST - Canada). Trường cho rằng có Công văn số 9710/QHQT ngày 29.10.2002 của Bộ GD-ĐT cho phép liên kết. Tuy nhiên, đây không phải là giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện chương trình liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài. Công văn này chỉ có nội dung hướng dẫn trường hoàn thiện hồ sơ dự án để trình duyệt theo quy định của Chính phủ. Đáng lưu ý, tại Công văn số 52/CP-QHQT của Chính phủ gửi cho các bộ ngành, trong đó có Bộ GD-ĐT, chỉ nêu: Đồng ý về mặt nguyên tắc để trường tiếp nhận và thực hiện dự án “Đào tạo lại giáo viên kỹ thuật VN” do Cơ quan phát triển quốc tế Canada tài trợ. Như vậy, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đều không có công văn nào cho phép trường liên kết đào tạo với Học viện SIAST Canada để cấp bằng cho sinh viên (SV) như hiện nay. Đó là chưa nói, theo tinh thần của công văn nói trên, thì đây là một dự án ODA để đào tạo lại giáo viên kỹ thuật chứ không phải đào tạo SV để thu học phí như các chương trình liên kết đào tạo khác.

Thứ ba, về chương trình liên kết với Học viện MIT - Meiho  Institute of Technology và Học viện Shute (Đài Loan), ông Tạ Xuân Tề cho biết: “Các chương trình này chủ yếu đào tạo ngoại ngữ cho SV, cụ thể là tiếng Trung. SV tự làm hồ sơ đi du học, mà SV có tiền thì đăng ký rồi xin đi. Chúng tôi chỉ liên kết để đào tạo ngoại ngữ chứ không phải liên kết đào tạo ĐH nên không cần phải có giấy phép”. Tuy vậy, ngay trên website của trường cho đến chiều 9.11 vẫn thông báo chiêu sinh rộng rãi 2 chương trình này với tên gọi “Du học tại chỗ”. SV học 2 chương trình cũng học hoàn toàn 4 năm tại VN và nhận bằng của 2 học viện này chứ không phải chỉ đào tạo ngoại ngữ như lời tiến sĩ Tề nói. Đến sáng 12.11, những thông tin này đã được rút xuống khỏi website của trường.

Học phí và chất lượng

Trả lời câu hỏi tại sao mức học phí chương trình liên thông từ TafeSA lên ĐH Công nghiệp TP.HCM  cũng cao như trong chương trình liên kết nước ngoài (600 USD/học kỳ), ông Tề nói:  “Dù học các môn theo chương trình trong nước, cấp bằng của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhưng được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, với giảng viên giỏi trong và ngoài nước, chỉ 30 SV/lớp...  Với điều kiện học tốt hơn và chất lượng SV khi ra trường cao hơn thì học phí phải cao hơn!”. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Sau khi đăng bài về các chương trường liên kết đào tạo của trường, chúng tôi  đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc phản ánh về chất lượng đào tạo của những chương trình này. Trong đó, bạn đọc có địa chỉ e-mail ricky_vuong2310@yahoo.com  cho biết: “Tôi đã từng là SV của khoa quốc tế trường ĐH Công nghiệp. Tôi rất bức xúc về thái độ và cách làm việc của các giảng viên trong khoa. Các giảng viên được giới thiệu là có bằng cấp từ nước ngoài, nhưng chẳng ai nói được  tiếng Anh lưu loát”.

Vũ Thơ - Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.