Để vào lớp 10 đúng nguyện vọng

30/04/2012 03:17 GMT+7

Trúng tuyển vào lớp 10 không quá khó, nhưng làm sao để chọn đúng nguyện vọng là điều mà phụ huynh, học sinh quan tâm.

Điều này càng quan trọng hơn khi chỉ còn vài ngày nữa đến thời điểm học sinh (HS) lớp 9 tại TP.HCM nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

 Để vào lớp 10 đúng nguyện vọng

Giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Áp lực ở những quận ít trường

 

Căn cứ đánh giá năng lực học tập

Ông Trần Lung - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Q.5) - cho biết: “Mỗi em phải căn cứ vào điểm 3 môn thi toán, văn, ngoại ngữ trong quá trình học lớp 9 hoặc điểm kiểm tra học kỳ 2 của 3 môn này chứ không thể lấy điểm trung bình cả năm của tất cả các môn”. Những năm trước, đề kiểm tra học kỳ 2 lớp 9 do sở biên soạn. Năm nay, sở giao cho các quận huyện ra đề thi nên rất khó để đánh giá mặt bằng chung của HS. Vì vậy, ông Mậu Minh khuyên: “Thông thường để áng chừng điểm thi lớp 10, các em lấy điểm kiểm tra học kỳ 2 của 3 môn thi tính theo hệ số quy định và giảm đi 20%. Nhưng năm nay nếu đề thi của quận nào có phần nhẹ nhàng thì nên tăng độ dự phòng khoảng 30%”.

Để biết áp lực của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, hiệu trưởng các trường THCS đều cho rằng cần thiết phải so sánh chỉ tiêu của năm học 2012- 2013 với năm học trước.

Trong số 58 trường THPT ở 15 quận, huyện có tổ chức thi tuyển, 27 trường giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước, 16 trường giảm 1.560 chỉ tiêu, 14 trường tăng 1.545 và có một trường mới ở Q.Bình Thạnh tổ chức tuyển sinh năm đầu tiên với số lượng 720 HS. Xét về tổng thể, chỉ tiêu tuyển sinh ở 58 trường của TP.HCM có xu hướng tăng. Tuy nhiên ông Trần Mậu Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) - cho biết: “Nhìn bao quát bảng chỉ tiêu của Sở GD-ĐT công bố thì thí sinh dự thi vào các trường THPT tại Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp... có phần nhẹ nhàng hơn. Áp lực rơi vào thí sinh dự thi vào các trường ở Q.4, Q.7, Q.11...”.

Ông Minh phân tích: “Q.3 có 5 trường, trong đó 2 trường THPT Marie Curie và Nguyễn Thị Diệu tăng tổng số 165 HS, 2 trường giữ nguyên chỉ tiêu là THPT Lê Quý Đôn và Lê Thị Hồng Gấm. Riêng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai giảm không đáng kể. Q.Bình Thạnh có 6 trường thì một trường mới xây dựng, 2 trường tăng thêm 195 HS, còn lại 3 trường bằng năm học trước. Q.Gò Vấp có 4 trường thì 3 trường tăng thêm và một trường vẫn giữ nguyên số lượng. Trong khi đó, Q.4 có ít trường THPT nhất của thành phố, chỉ 2 trường. Một trường giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước, trường còn lại giảm sâu với 175 HS. Tương tự, Q.7 có 4 trường thì 2 trường giữ nguyên chỉ tiêu, 2 trường còn lại giảm gần 200. Đặc biệt, Q.11 có 3 trường THPT thì cả 3 trường đều giảm với tổng số 370”.

Ông Nguyễn Văn Vượng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) - còn khuyến cáo: “Do năm nay sở có chủ trương xây dựng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11) theo mô hình trường tiên tiến chất lượng cao nên những trường này đều giảm từ 190-255 HS. Vì vậy, HS nào có ý định theo học những trường này phải cân nhắc thật kỹ”.

Tính toán kỹ khi vào trường chuyên

 

Học phí bậc THPT năm học 2012-2013

- Nội thành: 30.000 đồng/tháng, ngoại thành: 25.000 đồng/tháng

- 2 buổi/ngày: 50.000 đồng/tháng

- Tăng cường ngoại ngữ: 70.000 đồng/tháng

- Trường công lập tự chủ tài chính: 110.000 đồng/tháng

- Trường tiên tiến chất lượng cao: 890.000 đồng/tháng.

Ở khu vực trường chuyên, ông Mậu Minh thông tin: “Do năm nay Bộ GD-ĐT có quy định khống chế số lượng lớp thường trong trường chuyên không được vượt quá 20%, nên chỉ tiêu tuyển sinh ở khối lớp này giảm khá lớn. Cụ thể, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong năm trước tuyển 495 HS không chuyên thì năm nay số tuyển mới chỉ gần bằng 1/3 (180 HS).

Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển mới 90 HS, bằng phân nửa so với năm trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các lớp chuyên lại tăng và không bị khống chế về điểm thi như nhiều năm trước”. Vì vậy, hiệu trưởng các trường THCS nhận định: “Do tâm lý của phụ huynh nếu không thi được vào lớp chuyên thì cũng ráng làm sao để học lớp thường trong trường chuyên nên áp lực của khối lớp thường lại tăng cao”. Đó là chưa kể năm nay điểm xét tuyển của lớp không chuyên tính cả môn chuyên. Thế nên, hiệu trưởng của một trường THCS “bỏ nhỏ” rằng: “Những em thi vào lớp không chuyên nên chọn những môn thi chuyên dễ có điểm cao như tiếng Anh, sinh học...”.

Một số giáo viên phân tích ở các quận 1, 3, 4, 5, Bình Thạnh... có nhiều trường thuộc tốp trên (THPT Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Lê Quý Đôn...) cùng 2 trường chuyên để HS lựa chọn. Còn ở khu vực các quận như Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, 12, H.Hóc Môn... chỉ có Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Do đó, dự kiến điểm chuẩn vào trường này năm nay vẫn dẫn đầu bảng.

Nguyên tắc lựa chọn

Dù chỉ tiêu có tăng nhưng số lượng HS được vào học lớp 10 công lập tại TP.HCM giới hạn trong 80% của tổng số hơn 79.000 HS tốt nghiệp THCS. Do vậy, mục tiêu chính nằm ở chỗ chọn nguyện vọng (NV) sao cho thật chính xác để được học trường yêu thích và không nằm trong số 20% còn lại không trúng tuyển NV nào.

Mỗi HS được đăng ký 3 NV. Theo ông Mậu Minh, HS nên xác định NV1 là NV mình mong muốn, cố gắng để đạt được; NV2 là NV cần phải chắc ăn và nên cách NV1 từ 3-4 điểm; còn NV3 sẽ làm nhiệm vụ lót đường, là chuyến tàu vét, bất cứ giá nào cũng phải lên được tàu. Nghĩa là có bất trắc gì xảy ra thì HS vẫn trúng tuyển ở NV này.

Ông Hồ Phú Bạc - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng GD của Sở GD-ĐT gợi ý: “HS nên căn cứ vào sức học của bản thân, điều kiện kinh tế của gia đình cùng điểm chuẩn tuyển sinh năm trước của các trường để đăng ký NV. Các em học lực giỏi có thể chọn NV1 vào trường có điểm chuẩn từ 35 trở lên; NV2 từ 30-34,75 điểm, NV3 từ 25-29,75 điểm. HS học lực khá chọn NV1 vào trường có điểm chuẩn 30-34,75; NV2 từ 25-29,75; NV3 đăng ký dưới 25 điểm. HS học lực trung bình nên chọn NV1 vào trường có điểm chuẩn 25-29,75; NV2 và 3 đăng ký trường dưới 25 điểm”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.