Đề thi tốt nghiệp THPT: Đảm bảo học sinh trung bình sẽ đậu

30/05/2012 03:10 GMT+7

Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về những vấn đề mà dư luận còn đang băn khoăn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên về những vấn đề mà dư luận còn đang băn khoăn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Xin ông cho biết đề thi tốt nghiệp năm nay sẽ ra theo hướng nào?

Năm nay, cách thức ra đề thi được Bộ xem như một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử đảm bảo thực chất, khách quan. Cách thức ra đề được chúng tôi quán triệt làm sao phản ánh được chất lượng dạy học, hướng tới đánh giá đúng năng lực của học sinh (HS), kiến thức cũng đòi hỏi sát với thực tế hơn.

Giáo viên tham gia chấm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại TP.HCM  
Giáo viên tham gia chấm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đề vẫn có 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Đối với các môn toán, vật lý, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn bao gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương trình: chuẩn và nâng cao. Tuy nhiên, thí sinh được tùy chọn một phần riêng để làm bài, không bắt buộc học theo chương trình nào phải làm đề dành riêng cho chương trình đó.

 

Với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo HS có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp

Đề thi môn ngoại ngữ chỉ có một phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Chủ trương của Bộ là đề thi ngày càng coi trọng tính sáng tạo, vận dụng. Liệu điều này có khiến những thí sinh học lực trung bình lo lắng không, thưa ông?

Đề thi có ít nhất 50% yêu cầu HS phải hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%. Vài năm gần đây, Bộ đã áp dụng ma trận đề thi để vừa bao quát được mức độ cao nhất toàn bộ nội dung dạy học, vừa đặt ra các yêu cầu khác nhau về trình độ của HS. Đơn giản nhất là hiểu, tiếp theo là ghi nhớ được kiến thức đã học; mức cao hơn là phải vận dụng được kiến thức. Việc đổi mới đòi hỏi HS phải có kỹ năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” và cũng để sàng lọc, phân biệt chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, theo từng năm, tỷ lệ này sẽ có sự thay đổi, phần vận dụng kiến thức sẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo HS có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp.

Việc chấm thi được Bộ chỉ đạo như thế nào để đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc, tránh biểu hiện cùng “bắt tay” nhau chấm lỏng? Về yêu cầu chấm chéo trong phạm vi một địa phương, kỹ thuật xử lý thế nào khi cả tỉnh chỉ có một hội đồng chấm thi, thưa Thứ trưởng?

Dù chỉ có một hội đồng chấm thi nhưng sẽ chia thành nhiều nhóm chấm khác nhau, bài thi của thí sinh cũng sẽ chia theo khu vực. Người phụ trách hội đồng thi có trách nhiệm phân công các nhóm chấm chéo nhau, đảm bảo giám khảo sẽ không gặp bài thi của thí sinh ở trường mình dạy.

Năm nay, Bộ sẽ áp dụng 4 chế độ báo cáo nhanh kết quả chấm thi các môn tự luận theo tiến độ chấm thi, lần lượt theo thứ tự tỷ lệ 15%, 30%, 50% và 80% số bài chấm thi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác chấm thi.

Bản thân các sở GD-ĐT (dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh/thành) chịu trách nhiệm về các khâu trong quá trình tổ chức thi. Họ sẽ phải sử dụng lực lượng thanh tra nhằm đảm bảo các hội đồng thi, chấm thi thực hiện công việc được phân công đúng quy chế. Bên cạnh đó, Bộ sẽ cử các đoàn công tác về các địa phương thanh tra thi, tăng cường các đoàn thanh tra đột xuất. Đối với những nơi trọng điểm, Bộ sẽ tổ chức các đơn vị thanh tra chốt tại địa điểm coi thi - chấm thi giúp các hội đồng làm tốt nhiệm vụ của mình.

Thí sinh dường như cũng có biểu hiện trông chờ vào một sự “nới lỏng” trong kỳ thi năm nay khi Bộ đã bỏ thi theo cụm, chấm chéo, thanh tra ủy quyền... Ông có lời nhắn nhủ gì với thí sinh và các nhà trường?

Tôi muốn khẳng định lần nữa, chất lượng dạy và học đảm bảo chất lượng thi. Để có một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng đòi hỏi một sự cố gắng thường xuyên liên tục của Bộ, của các cơ sở giáo dục chứ không phải chỉ trong một kỳ thi.

Công tác thanh tra, kiểm tra là để hỗ trợ, để giúp cho những người chỉ đạo phát hiện sơ suất trong các khâu thi dễ dàng. Khi giảm thanh tra thi của Bộ thì lại tăng cường thanh tra thi của các sở GD-ĐT. Chúng tôi cũng yêu cầu chú trọng phân loại các điểm thi để tăng cường lực lượng thanh tra khi cần thiết, phù hợp với đặc điểm của từng điểm.

Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường phải quán triệt tinh thần này với HS, phụ huynh HS. Không phải Bộ không coi trọng sự nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà càng ngày càng coi trọng hơn, yêu cầu cao hơn về ý thức trách nhiệm với những người làm thi, với các cơ sở làm thi.

Tuệ Nguyễn - Thư Hiên (thực hiện)

>> Tự tin chuẩn bị thi tốt nghiệp
>> Ghép thí sinh các trường trong quận để thi tốt nghiệp
>> 10 nước có hệ thống giáo dục ĐH tốt nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.