Để thêm tự tin

15/12/2011 00:08 GMT+7

Hiện tượng phần đông giới trẻ say mê những bài hát được ví là “thảm họa” của nền âm nhạc với ca từ vô nghĩa, những cuộc triển lãm tranh nghệ thuật vắng bóng người xem… đang đặt ra một mối băn khoăn về khả năng cảm nhận nghệ thuật của thế hệ trẻ.

Hiện tượng phần đông giới trẻ say mê những bài hát được ví là “thảm họa” của nền âm nhạc với ca từ vô nghĩa, những cuộc triển lãm tranh nghệ thuật vắng bóng người xem… đang đặt ra một mối băn khoăn về khả năng cảm nhận nghệ thuật của thế hệ trẻ.

Ông Phạm Văn Tuyên, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng do chúng ta đã một thời không nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật nói chung cũng như giáo dục nghệ thuật ở bậc phổ thông nói riêng. Không thể có một xã hội văn minh, hiện đại khi mà các đêm nhạc giao hưởng luôn ít khán giả hơn một buổi chiếu phim võ thuật, tranh nghệ thuật thì không có người thưởng thức.

Khi phải dạy, phải học lại chỉ mang tính chất qua loa nên không những không phát hiện ra năng khiếu mà còn làm mất niềm hứng thú cho HS khi học các môn nghệ thuật. Nói về thực trạng này, ông Trần Đình Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật trung ương - tha thiết: “Cần dạy trẻ vẽ bằng cảm nhận, bằng đôi mắt trẻ thơ trong sáng. Các em được tự do vẽ, miễn là thông qua đó khơi gợi ở các em lòng yêu mến thiên nhiên, con người. Đó mới là giáo dục thẩm mỹ ở tuổi thơ. Hãy để các em có thể vẽ ông mặt trời bằng màu xanh, thảm cỏ màu đỏ. Các em luôn có lý của mình, đừng bắt các em nhìn bằng đôi mắt của người lớn”.

Biết sử dụng một nhạc cụ, chơi được một môn thể thao, hiểu về mỹ thuật... sẽ giúp thanh niên tự tin, mạnh dạn và độc lập hơn. GS-TS Trần Văn Khê trong tự truyện của mình cũng khẳng định nhờ biết chơi nhạc, khoái thể thao nên ngay từ khi học Trường Petrus Ký (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ngày nay), ông đã tự tin tham gia tổ chức các hoạt động văn thể mỹ của trường. Đây cũng chính là những kinh nghiệm để sau này ông tổ chức những sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Đó cũng là một trong những lý do khiến HS ở các nước tiên tiến thường tỏ ra chững chạc, tự tin hơn so với HS VN. Ở những nước này, dù nghệ thuật chỉ là một môn tự chọn trong chương trình phổ thông nhưng HS được học tập hết sức bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì thế, ngay từ bậc phổ thông, sẽ không xa lạ khi HS có thể tự tổ chức những buổi triển lãm nghệ thuật hay trình diễn âm nhạc.

Trong khi đó, việc này còn chưa phổ biến ở VN. Một học sinh đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic toán học quốc tế, sau khi kể hàng loạt những niềm vui, tự hào... về trình độ của đội tuyển bỗng chùng hẳn lại khi nói về khả năng giao lưu của đội tuyển với bạn bè quốc tế ngoài giờ thi. Em này cho biết trong khi các HS nước ngoài trổ tài ca hát, nhảy múa, vẽ vời... một cách hết sức tự nhiên thì đoàn Việt Nam đùn đẩy nhau tham gia giao lưu vì ai cũng thiếu tự tin.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.