Để đời là “bể sướng”

22/01/2012 09:36 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Công việc của cả cuộc đời ông là hướng mọi người đến suy nghĩ có phương pháp để ra các quyết định đúng.

Tôi đề nghị PGS-TSKH Phan Dũng - Giám đốc Trung tâm sáng tạo khoa học - kỹ thuật (TSK) thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chọn một câu mà ông tâm đắc nhất trong hơn 30 năm đi truyền bá phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLST-ĐM) ở Việt Nam và nước ngoài. Không ngần ngại, ông nói chậm từng từ: “Hạnh phúc, số phận của mỗi người tùy thuộc nhiều vào việc người đó trong suốt cuộc đời của mình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định như thế nào”.


PGS-TS Phan Dũng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhân nào quả đó

Ông bảo đừng bao giờ chỉ nghĩ sáng tạo là một cái gì đó quá lớn lao, xa vời, kiểu như giải Nobel. “Khi đưa ra bất kỳ cái gì đồng thời có tính mới và tính ích lợi là sáng tạo”, ông nói rồi đưa ví dụ cụ thể: So với đời trước, chìa khóa xe gắn máy đời sau có răng đối xứng, người dùng tra vào ổ chiều nào cũng được, không phải mất thời gian để xoay chìa khóa ngược lại hay nhớ. Như vậy cái sau mới hơn cái trước và mang lại thêm ích lợi. Đó là sáng tạo. Sáng tạo nhằm giải quyết một vấn đề nhất định. Ông đúc kết đơn giản: “Tôi giải quyết được vấn đề, ra quyết định đúng. Nghĩa là sáng tạo”.

Hạnh phúc, số phận của mỗi người tùy thuộc nhiều vào việc người đó trong suốt cuộc đời của mình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định như thế nào 

 PGS-TS Phan Dũng

Ông dẫn giải rằng cuộc đời mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Vấn đề có thể bắt đầu từ những câu hỏi rất nhỏ chẳng hạn như hôm nay mặc gì, cho cả nhà ăn gì, mua sắm cái gì... cho đến những vấn đề lớn như làm sao đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Ông dạy phương pháp suy nghĩ để giải quyết vấn đề, giúp mọi người có thể suy nghĩ tốt hơn, ít trả giá hơn, hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, trong các lớp học của ông có đầy đủ thành phần xã hội từ tiểu thương, nội trợ, xích lô, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà tu hành, cán bộ quản lý, doanh nhân... Tất cả ngồi chung một lớp, học chung một bài học để từ đó vận dụng vào công việc, cuộc sống riêng của mình.

Qua những bản thu hoạch cuối khóa của học viên, người đọc thấy được những kết quả áp dụng PPLST-ĐM. Chị tiểu thương tìm ra cách tối ưu vừa kiếm tiền vừa chăm sóc gia đình. Bà nội trợ cảm thấy hạnh phúc, hài lòng, sắp xếp mọi thứ chỉn chu và hợp lý với hàng đống công việc không tên. Một bác sĩ dù bị áp lực chuyên môn, vẫn có thời gian đầu tư vào nghiên cứu khoa học với những công trình có giá trị quốc tế. Anh kỹ sư vận dụng để cải tiến công việc kỹ thuật cho hiệu quả và tiết kiệm hơn. Một doanh nhân thành đạt học để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ bấy lâu nay... 

Ông nói vui: “Hồi còn nhỏ, khi mình làm điều gì sai thường bị người lớn mắng: “Sao dại thế, làm cái gì cũng phải nghĩ trước chứ!”. Nhưng trước khi làm thì có ai dạy nghĩ đâu, chỉ chờ làm sai thì mắng”. Và thế là ông dành cả cuộc đời để đi tìm và học các quy luật của tư duy vì ông tin rằng ai cũng muốn mình suy nghĩ giải quyết vấn đề tốt, ra những quyết định đúng để “đời là bể khổ” trở thành “bể sướng”.

Duyên tiền định

Trong khi việc phổ biến PPLST-ĐM diễn ra tự phát ở Việt Nam thì các nước có cả một chiến dịch để phát triển. Mỹ du nhập TRIZ từ năm 1991, chưa đầy 10 năm sau, họ đã thành lập Viện TRIZ ở California, Viện Altshuller ở Massachusetts, nhiều trường ĐH ở Mỹ giảng dạy TRIZ. Rất nhiều nước trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Israel, Phần Lan, Hà Lan, Mexico, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã và đang du nhập TRIZ. Nhiều công ty lớn trên thế giới sử dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề của mình như Ford, Boeing, BMW, Kodak, Motorola, Siemens, Air Force, 3M, General Motors, Intel...

Khi đang học về vật lý thực nghiệm ở Liên Xô, từ một buổi tán gẫu với mấy sinh viên Xô viết về những vấn đề liên quan đến tư duy sáng tạo, ông biết tin Hiệp hội Các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô vừa thành lập Học viện Sáng tạo sáng chế, thế là ông đăng ký học ngay. Năm 1971, ông trở thành một trong những học trò đầu tiên của thầy Genrikh Saulovich Altshuller, tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ), một lý thuyết rất mạnh trong PPLST-ĐM.

Ông tâm sự: “Cho đến bây giờ và cả sau này, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đến với TRIZ một cách tất yếu. Nghĩa là nếu điều này không xảy ra vào năm 1971 thì nhất định có lần tôi bắt gặp TRIZ và đi theo TRIZ đến suốt cuộc đời còn lại của mình”. Hầu như với lứa học trò nào ông cũng khẳng định cuộc đời ông chia thành 2 giai đoạn rõ ràng: trước và sau khi đến với TRIZ.

Ông thừa nhận: “Có nhiều lợi ích tôi nhận được nhờ áp dụng TRIZ, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên, sai lầm và trả giá giảm đi. Hai trong số những việc làm tôi tự hào là rút ngắn được thời gian làm luận án từ tiến sĩ lên tiến sĩ khoa học (chỉ 2 năm, thay vì trung bình 20 năm) và phổ biến PPLST-ĐM ở Việt Nam”.

Ông đi nhiều nước để giảng dạy và nói chuyện về TRIZ, có những hội nghị quốc tế mà ông là một trong 2 diễn giả chính (keynote speaker). Đối tượng nghe ông nói ở nước ngoài thường là những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các cấp.

Ở các nước, một khóa học TRIZ có khi lên đến vài ngàn USD. Chẳng hạn ở Anh, một khóa học trong 5 ngày thì mỗi ngày một học viên phải trả 400 bảng. Ở Việt Nam, khóa học về PPLST-ĐM đến nay chỉ có 720 ngàn đồng/người trong 15 buổi. Trong thời buổi những gì liên quan đến tâm lý, tư duy, sáng tạo là thời thượng thì ông dễ dàng thành lập công ty để đi nói chuyện, làm diễn giả lấy tiền tính giờ theo USD. Thế nhưng ông bảo: “Nếu tôi mở công ty liệu các trường có đủ tiền trả cho những buổi nói chuyện của tôi? Cái chúng tôi muốn là PPLST-ĐM được đưa vào dạy trong các nhà trường của Việt Nam”. Thế là ông vẫn miệt mài, nhẫn nại cùng với các đồng nghiệp của mình ở TSK mở những khóa học với kinh phí vừa túi tiền người có thu nhập thấp để tiếp tục đeo đuổi ước mơ mọi người Việt Nam đều được học PPLST-ĐM. Như ông nói, thỉnh thoảng ông vẫn đi thỉnh giảng ở các công ty để kiếm thêm tiền phát triển TSK.

Ông đã hoàn thành việc biên soạn bộ sách Sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation) gồm mười quyển nhằm đưa PPLST-ĐM đến đông đảo bạn đọc cả nước. Ông cho rằng, về nguyên tắc, có thể soạn giáo trình PPLST-ĐM để dạy từ bậc mẫu giáo đến 2 năm đầu tiên của ĐH. Ông đau đáu với một niềm tin: “Nếu như toàn bộ dân số Việt Nam được tiếp xúc với PPLST-ĐM thì sẽ có một dân tộc gồm những người biết tư duy sáng tạo có phương pháp khoa học, có kỹ năng chứ không phải theo kiểu thử và sai. Và đó sẽ là một dân tộc khác với bây giờ”.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.