Dạy và học lịch sử: Giáo viên phải là chuyên gia sử học

24/05/2013 16:45 GMT+7

(TNO) Nhiều thông tin thú vị về việc dạy và học lịch sử đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đào tạo giáo viên lịch sử và dạy học lịch sử ở các trường phổ thông tại Mỹ - Kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức sáng nay 24.5.

(TNO) Nhiều thông tin thú vị về việc dạy và học lịch sử đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đào tạo giáo viên lịch sử và dạy học lịch sử ở các trường phổ thông tại Mỹ - Kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức sáng nay 24.5.

Sau khi đưa ra những hình ảnh giới thiệu tại buổi tọa đàm, GS.TS David M.Berman, giảng viên Trường Sư phạm (ĐH Pittsburgh, Mỹ) nói: “Khi dạy lịch sử, tôi luôn bắt đầu bằng những hình ảnh thật, câu chuyện thật. Từ đó, sinh viên buộc phải suy nghĩ để rồi đưa ra những câu hỏi và sự giải đáp về các bức hình, câu chuyện đó”.


Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong một giờ học môn sử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từ kinh nghiệm bản thân, tiến sĩ David M.Berman tiếp tục chia sẻ về cách dạy môn học này tại Mỹ: “Mọi thứ đều phải theo chuẩn nội dung quy định của từng tiểu bang, từ chương trình, bài giảng đến các bài kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, giáo viên có thể làm chủ toàn bộ về phương pháp, tài liệu và thời gian giảng dạy. Đặc biệt, giáo viên không chỉ dạy bằng tài liệu mà còn thông qua các hiện vật”.

Cũng theo tiến sĩ David M.Berman, giáo viên từng bộ môn có quyền chọn lựa sách giáo khoa để dạy, nhà nước không khống chế theo chuẩn miễn đảm bảo việc dạy học theo chuẩn quy định.

Bên cạnh phương pháp và tài liệu, David M.Berman cho rằng yếu tố quyết định sự yêu thích của học sinh với môn học này chính là giáo viên.

Ông David M.Berman cho biết: “Ở Mỹ trước đây, để trở thành một giáo viên dạy lịch sử chỉ cần có bằng cử nhân sau khi được đào tạo 4 năm ở trường ĐH, trong thời gian đó giáo viên vừa dạy kiến thức lịch sử vừa được đào tạo phương pháp sư phạm. Tuy nhiên cách đào tạo giáo viên này đã không được đánh giá cao vì thực ra đây không phải cách đào tạo những chuyên gia về lịch sử. Sau này, giáo viên lịch sử phải là một nhà chuyên môn về sử học đã tốt nghiệp cử nhân và tiếp tục được đào tạo sau ĐH. Chỉ khi có đủ cả hai loại bằng cấp trên, người giáo viên đó mới được chứng nhận để đi dạy phổ thông”.

Trong khi đó, từ vị trí một giáo viên dạy lịch sử ở Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ sử - địa - giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), băn khoăn: Việc xây dựng và chọn lựa sách giáo khoa ở Mỹ có sự tham gia của người dân và học sinh, trong khi ở Việt Nam sách giáo khoa được áp từ trên xuống. Tôi đã từng tham gia chỉnh sửa, góp ý nhiều lần với sách giáo khoa lịch sử, nhưng đến khi sách in ra nhiều lỗi vẫn tồn tại.

Cũng theo thạc sĩ Vy, sách giáo khoa ở Việt Nam xét về số trang thì không dày hơn các nước khác, nhưng số chữ lại quá nhiều. Nên bất cập trong việc dạy và học môn lịch sử của chúng ta chính là việc học theo sách giáo khoa để phục vụ việc thi thuộc lòng. Đó là lý do vì sao, giáo viên có rất nhiều phương pháp dạy sáng tạo để truyền cảm hứng cho học sinh nhưng chỉ có thể áp dụng với lớp 10 và 11, còn lớp 12 thì không dám vì còn phải học để chạy theo cách ra đề của Bộ GD-ĐT.

Hà Ánh

>> Học lịch sử ở bảo tàng
>> Dạy và học lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn
>> Thí điểm dạy sử bằng phim
>> Thư gửi thầy giáo dạy Sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.