Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình

23/06/2012 03:00 GMT+7

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mạnh khỏe, an toàn trước cuộc sống vốn nhiều rủi ro, bất trắc. Do đó, nên dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ ngay từ nhỏ.

Chị Hoa Diễm, phụ huynh của một bé gái 4 tuổi ở P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ: “Mình luôn nghĩ đến những tình huống không hay để đề phòng bằng cách tập cho con cách ứng xử nếu không may nó xảy ra. Chẳng hạn dạy con nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của ba mẹ, cách nhờ người khác giúp đỡ nếu bị lạc đường. Không ăn bánh kẹo của người lạ, không mở cửa cho người lạ…”. Chị Diễm cho rằng bé 3, 4 tuổi đủ để nhận biết và ghi nhớ được những lời nhắn nhủ, dạy bảo của cha mẹ. Nếu phụ huynh thường xuyên căn dặn con thì trong đầu bé sẽ hình thành cách nghĩ và phản xạ để bảo vệ mình trước những tình huống mà bố mẹ đã cảnh báo.

Anh Quốc Tuấn, phụ huynh của bé trai đang học tại Trường mầm non Bến Thành, Q.1, cho hay: “Chúng tôi cho con đi học bơi từ rất nhỏ với mong muốn sau này lớn lên cháu sẽ bơi giỏi, không sợ tai nạn dưới nước. Ngoài ra, trên đường đưa đón cháu đi học, tôi thường dạy cháu phải đi xe cẩn thận, không vượt đèn đỏ, đi cách xa đuôi ô tô, không đi bộ dưới lòng đường… Những điều này không hề quá sức đối với trẻ, nếu nhắc nhở thường xuyên sẽ hình thành nên ý thức về giao thông và nhiều vấn đề khác, nhằm an toàn cho chính trẻ và những người xung quanh”.

Hầu hết các bé đều hiếu động, nghịch ngợm, ưa khám phá những vật dụng trong nhà. Chẳng hạn như bếp gas, ổ điện, đồ chơi… Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn nhiều bất trắc nếu phụ huynh không kiểm soát được trẻ. “Tôi thường xuyên nhắc con tránh xa phích nước sôi, ổ điện, bếp gas và luôn nói đến sự nguy hiểm của nó. Khi thấy mẹ rót nước, cháu không tới gần vì sợ bỏng. Cháu cũng không nghịch ngợm ổ điện… Đối với cậu con đầu lớn hơn, tôi hướng dẫn cháu cách sử dụng các đồ vật đó một cách an toàn” - chị Hải My (Q.4) cho biết.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ TP.HCM, đưa ra lời khuyên: “Chúng ta cần trang bị cho trẻ những kỹ năng giúp trẻ phòng tránh nguy hiểm cho bản thân như tránh tai nạn (bỏng, tai nạn giao thông, té ngã, chết đuối, hóc dị vật…), tránh xâm hại tình dục, các tệ nạn xã hội (ma túy, rượu, cờ bạc…), làm chủ cảm xúc bản thân (tránh tự tử, tránh tự hủy hoại bản thân…)”. Chị Thúy khẳng định: “Phần lớn các tai nạn ở trẻ đều có thể tránh được nếu cha mẹ và trẻ luôn cảnh giác” . 

Mỹ Quyên

>> Thầy nuôi dạy trẻ
>> Khi thầy làm... “cô nuôi dạy trẻ”
>> Dạy trẻ không bằng roi vọt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.