Dạy lịch sử qua mô hình

31/07/2012 03:10 GMT+7

Những giờ học lịch sử hấp dẫn hơn, dễ nhớ hơn khi giáo viên sáng tạo trong cách giảng dạy.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và đồng nghiệp đã tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954) bằng mô hình làm từ bông lau bảng, xốp...

“Giáo viên chỉ cần trình bày trong vòng 3-5 phút là học sinh sẽ nắm được tình hình, trận đánh, mũi tấn công... Sau đó giáo viên xoáy vào các cột mốc thời gian là học sinh có thể trình bày chiến dịch ngay tại lớp mà không cần phải học bài”, cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền nói.

 Dạy lịch sử qua mô hình
Cô Tuyền (bìa trái) đang trình bày mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ với giáo viên các trường
bạn trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: M.L

Dựa vào các vật liệu đơn giản, giáo viên Trường Bình Hòa đã làm một mô hình trận địa sống động. Mô hình rộng khoảng 2 m2 này bao gồm các đồi A1, C1, Him Lam, bản Hồng Cúm... Ranh giới căn cứ giữa ta và địch được phân biệt bằng các lá cờ. Đồng thời, các mũi tên màu xanh và đỏ thể hiện hướng di chuyển, hướng tấn công của ta và địch. Chưa hết, để tăng thu hút với học trò, các giáo viên đã dùng những tượng lính, máy bay... nhựa đặt ở các đồi, khu căn cứ. 

Để các trận đánh diễn ra như thật, cô Tuyền còn lồng âm thanh của trực thăng, bom đạn... Cô Tuyền cho biết: “Nếu chỉ dựa vào sách giáo khoa để truyền đạt thì học sinh vẫn có thể nắm bài, nhưng các em dễ rơi vào tình trạng học trước quên sau vì một chiến dịch có quá nhiều ngày tháng. Tuy nhiên dưới mô hình tái hiện trận địa thực này, khi nhìn tổng thể căn cứ địa cùng với việc theo dõi diễn biến các trận đánh, học sinh sẽ tường tận như đang chứng kiến một trận đánh thật diễn ra trước mắt. Điều này sẽ khắc ghi sâu bài học vào tâm trí của các em”.

Mô hình có các bóng đèn hình trái ớt với 3 màu sắc khác nhau thể hiện cho từng đợt tấn công. Theo đó, một công tắc điện được dùng để thể hiện các đợt tấn công của ta. “Chiến dịch bao gồm 3 đợt tấn công. Để thể hiện đợt tấn công thứ nhất, chúng tôi bật công tắc, đèn màu vàng sẽ sáng lên, các đồi, hướng tấn công sẽ hiện rõ. Khi đến đợt 2, chúng tôi dùng đèn màu xanh, và thứ 3 thì dùng đèn màu đỏ”, cô Tuyền cho biết. Còn rêu xanh, cây cối trong mô hình này được làm từ bông lau bảng. Các giáo viên xay nhuyễn bông lau bảng từ máy xay sinh tố. Sau đó nhuộm màu và rắc lên các đồi (làm bằng xốp) trông màu sắc giống như thật. Mỗi mô hình này được giáo viên cán bộ Trường Bình Hòa làm trong vòng 2 ngày. 

Theo ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, trong giảng dạy lịch sử, những sáng tạo như thế này là hết sức cần thiết. Điều này giúp học sinh hứng thú với bài học.

Minh Luân

>> Hướng tới một mô hình giáo dục tiên tiến
>> Lên mạng học sử Việt
>> Chơi game để học sử
>> Học sử Việt qua game
>> Học sử trên đường phố
>> Hơn 8.500 trường học sử dụng hệ thống quản lý SMAS
>> Học sử qua những bài giáo khoa thuộc lòng
>> “Học sử trên đường” sao cho dễ hiểu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.