Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh? - Kỳ 3: Cách làm do địa phương chịu trách nhiệm

25/10/2014 05:00 GMT+7

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 khởi động từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chỉ là thí điểm và vì thiếu tính bắt buộc, dẫn đến tạo điều kiện cho các trường thực hiện các chương trình tiếng Anh khác mà phụ huynh gần như phải chấp nhận.

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại TP.HCM. Ở địa phương này, bậc tiểu học ngoài chương trình tiếng Anh thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ 2020 còn có nhiều chương trình khác của thành phố - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh ?: Cách làm do địa phương chịu trách nhiệm 
Bà Vũ Tú Anh

Trả lời phóng viên Thanh Niên, bà Vũ Tú Anh, Phó trưởng ban thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, cho rằng Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 bắt đầu khởi động từ năm 2008, đến 2011 mới chính thức triển khai. Trong khi đó ở một số địa phương, việc dạy học ngoại ngữ từ cấp tiểu học đã được xúc tiến từ trước đó. Chẳng hạn TP.HCM đã có chương trình ngoại ngữ tăng cường, Hà Nội có chương trình liên kết. Hiện chương trình này đang làm thí điểm, chưa được đánh giá tổng kết để ban hành chính thức nhưng đề án có trách nhiệm phải công nhận các chương trình đã tồn tại trước đó. Cách thức triển khai các chương trình do địa phương và cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm.  

Sau năm 2015 mới hết thí điểm

Bao giờ chương trình ngoại ngữ 10 năm môn tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia sẽ thôi làm thí điểm để thực hiện đại trà?

Về tài liệu - sách giáo khoa (SGK) thí điểm, hiện mới có trọn bộ tiểu học, THCS có đến lớp 8, THPT có đến lớp 11. Như vậy, sau 2015 mới chạy xong 10 năm thí điểm và khi đó chương trình mới có thể chạy chính thức.

Khi đã thực hiện chương trình ngoại ngữ 10 năm thì bắt buộc phải thực hiện 4 tiết/tuần ở tiểu học, 3 tiết/tuần ở THCS và THPT?

Tối thiểu là 4 - 3 - 3. Có thể 5 tiết/tuần, nếu cơ sở kết hợp giữa thí điểm và tăng cường. Ví dụ 4 tiết chính khóa, còn thêm 1 tiết với giáo viên nước ngoài, tùy điều kiện nhà trường. Cốt lõi của chương trình thí điểm phải nằm ở 4 tiết đó.

Theo chúng tôi biết hiện nay số trường tiểu học thực hiện thí điểm chương trình ngoại ngữ 10 năm môn tiếng Anh của Hà Nội không tăng là bao so với khi mới bắt đầu từ cách đây 3 năm. Nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội lại nói hiện họ có khoảng hơn 100 trường tiểu học đã thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ 2020?

Đừng cho rằng triển khai đề án là chỉ phần tiền của Đề án quốc gia và của Bộ GD-ĐT. Bất kỳ hoạt động nào nằm trong đổi mới hoạt động dạy học ngoại ngữ đều nằm trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Địa phương nào cũng có đề án của riêng mình. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương đổi mới dạy học ngoại ngữ tốt nhất nhưng không nhận một đồng nào từ Đề án quốc gia mà hoàn toàn là ngân sách địa phương.

Bà đánh giá Hà Nội và TP.HCM làm rất tốt nhưng đó là về đổi mới dạy học ngoại ngữ chứ không phải họ làm tốt chương trình ngoại ngữ 10 năm.

Chính xác. Để đánh giá việc thực hiện thí điểm chương trình ngoại ngữ 10 năm thì phải chờ tổng kết từ các vụ bậc học. Còn đề án sẽ giám sát, kiểm tra để phát hiện các vấn đề bất cập. Hiện các vụ bậc học chưa có công văn chính thức kết luận chất lượng thí điểm.

Làm đại trà phải xã hội hóa !

Ở tiểu học, nếu thực hiện chương trình ngoại ngữ 10 năm thì phải đảm bảo có giáo viên đạt chuẩn và đủ để dạy 4 tiết/tuần. Nghĩa là một trường tiểu học nếu có 20 lớp từ lớp 3 trở lên thì phải có 4 giáo viên ngoại ngữ?

Mình có thí điểm đại trà đâu. Ngay trong trường được chọn làm thí điểm cũng chỉ thí điểm một số lớp nhất định. Những nơi muốn làm đại trà thì phải theo nguyên tắc là hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh bàn bạc quyết định, có cả ý kiến của sở GD-ĐT nữa. Thu thêm kinh phí cho việc này hay dạy đại trà bao nhiêu lớp… là quyết định của cơ sở. Nhưng khi đó nguồn vốn xã hội hóa chứ không phải của nhà trường. Khi không còn là thí điểm thì không thể là tiền của nhà nước nữa.

Nói thế e không ổn khi mà giáo dục cấp tiểu học là giáo dục bắt buộc, nhà nước phải có trách nhiệm trả lương cho giáo viên để họ dạy học sinh chứ không phải buộc học sinh phải đóng tiền.

À, tôi đang nói việc nhà nước không thể bỏ tiền ra mua sách phát không cho học sinh như khi làm thí điểm. Còn việc đảm bảo giáo viên là vấn đề định biên, cái này do Sở Nội vụ và Sở GD-ĐT quyết định chứ Bộ GD-ĐT đâu được quyết.

Nhưng khi tuyên truyền về đề án thì nói đây là chương trình ngoại ngữ bắt buộc?

Tuyên truyền là như vậy nhưng đây đang ở giai đoạn thí điểm. Chương trình 2015 của mình còn chưa chính thức. Mà việc thực hiện đề án này cả tiền và thời gian đều không đảm bảo như kế hoạch thì làm sao chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng tiến độ? Về nguồn vốn, đến bây giờ giai đoạn 1 của đề án chưa được 50% kế hoạch. Thành ra nơi nào đi nhanh thì làm trước.   

Thách thức của việc Chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ

Việc chuẩn hóa giáo viên ngoại ngữ (2010 - 2020) theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã triển khai được 4 năm. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả vẫn không mấy khả quan.

Về cơ chế, việc đào tạo ngoại ngữ của ta chưa khả thi ngay từ ngọn, thể hiện ở cách ra đề thi cùng sự phân bố thời lượng học tiếng Anh do Bộ GD-ĐT quy định. Có thể thấy, đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH luôn quá nặng về ngữ pháp và từ vựng, chưa áp dụng kỹ năng nghe nói trực tiếp. Khi đề như thế thì chẳng thầy cô nào đủ can đảm phân tán thời gian luyện giải đề thi sang rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh.

Việc phân phối thời lượng học tiếng Anh của Bộ vẫn chưa thật sự hợp lý. Cụ thể như ở cấp THPT, nếu tính cả tự chọn thì một tuần có 4 tiết, cùng với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp và giải bài tập. Lấy ví dụ một tiết nói (speaking) có 45 phút cho một lớp học trung bình từ 45 - 50 học sinh. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó, việc kiểm tra bài cũ, dạy từ vựng và tìm hiểu bài trước khi nói (Pre-speaking) đã chiếm mất 1/3. Vậy trong 30 phút còn lại, cả thầy và trò khó có thể tương tác với nhau một cách hiệu quả vì thời lượng có hạn và lớp học quá đông. Đó thật sự là thách thức lớn với giáo viên mặc dù họ có tâm huyết cùng rất nhiều cố gắng.

Đề án yêu cầu các giáo viên ngoại ngữ phải đạt chuẩn châu Âu. Thực tế khi còn ở môi trường đại học chuyên ngữ, các thầy cô có cơ hội tiếp xúc với những giảng viên người nước ngoài hoặc bạn bè quốc tế trong những công việc làm thêm hay tình nguyện, rất nhiều trong số họ có thể giao tiếp lưu loát. Nhưng sau đó khi về dạy phổ thông, với môi trường giao tiếp hầu như không có, thêm việc chú tâm rèn luyện ngữ pháp cho học sinh thi tốt nghiệp và ĐH thì cái chuẩn đó thường sẽ chỉ duy trì một vài năm rồi mất hẳn. Vậy lấy một chuẩn châu Âu để gán lên một đất nước châu Á chưa thật sự hội nhập thì chỉ đè thêm gánh nặng lên vai những giáo viên ngoại ngữ mà thôi.

Vậy nếu chỉ đầu tư tiền của vào đề án mà không có cái nhìn thực tế cùng sự thay đổi hợp lý thì chẳng bao lâu nữa, hơn 9.000 tỉ đồng của nhà nước sẽ trôi sông bỏ bể.

VÕ VĂN LINH (tỉnh Quảng Nam)

Lê Đăng Ngọc - Tuệ Nguyễn (thực hiện)

>> Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh ?
>> Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh ? - Kỳ 2: Né chương trình chính để dạy liên kết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.