Dạy chữ cho trẻ vạn đò

30/03/2012 08:52 GMT+7

Lớp học do 2 cô giáo tổ chức xuất phát từ việc mong muốn trẻ em vạn đò bớt đi phần thiệt thòi. Niềm vui của họ là hàng trăm trẻ em nghèo đã biết chữ.

Lớp học do 2 cô giáo tổ chức xuất phát từ việc mong muốn trẻ em vạn đò bớt đi phần thiệt thòi. Niềm vui của họ là hàng trăm trẻ em nghèo đã biết chữ.

Đã hơn 3 năm nay, lớp học tình thương ở nhà sinh hoạt cộng đồng của khu tái định cư phường Hương Sơ- TP Huế đều đặn mở cửa mỗi sáng sớm để đón trẻ vạn đò vào học. Vào thời điểm đông nhất, lớp học có hơn 40 trẻ từ 8 đến 15 tuổi, là các em chưa từng được đến trường tiểu học hoặc phải bỏ học sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tất cả các em được học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4 do 2 cô giáo Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Huệ tình nguyện đứng lớp.

 
Lớp học tình thương ở nhà sinh hoạt cộng đồng của khu tái định cư phường Hương Sơ - TP Huế

Cô giáo Hồng tâm sự: “Ngày nào hai chị em cũng đến thật sớm để dạy, đến trưa mới về. Tuy vất vả nhưng thấy ngày càng có nhiều em biết chữ nên mình quên hết mệt nhọc và thêm gắn bó với các em”.

Gắn bó với trẻ em vạn đò đã gần 12 năm, cô giáo Hồng cho biết ban đầu, cô tham gia dạy chữ cho trẻ vạn đò sông Hương tại một lớp học xóa mù. Cách đây 3 năm, khi TP Huế di dời một phần dân vạn đò sông Hương về tái định cư ở đây, cô lại chuyển theo học trò. Hằng tháng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của TP Huế hỗ trợ mỗi cô vài trăm ngàn đồng tiền xăng.

Để có được lớp học tình thương này, 2 cô phải mất rất nhiều công sức vận động trẻ đến lớp. “Nhiều học sinh khi về nơi ở mới, cuộc sống khó khăn nên gia đình không cho đi học nữa. Những em bắt đầu đến tuổi đi học thì việc vận động càng khó khăn gấp bội”- cô giáo Hồng nhớ lại. Cô cho biết khi mới mở lớp, các cô phải kiên trì đến từng gia đình gặp phụ huynh để vận động cho con em học chữ. Cha mẹ của các em trước đây sống trên sông nước, không học hành nên đối với họ, chữ nghĩa không quan trọng bằng việc mưu sinh. Vì vậy, phải giải thích cho họ hiểu sự cần thiết của cái chữ, dần dần họ nghe theo rồi mới cho con em đi học.

Để học sinh gắn bó với lớp, nhiều lúc các cô phải bỏ tiền túi mua bánh kẹo cho các em. Việc truyền đạt kiến thức cũng phải tiến hành một cách khá đặc biệt. Mỗi em một hoàn cảnh nên phải quan tâm, chỉ bảo cụ thể cho từng em, mất rất nhiều thời gian. Đến nay, đã có khoảng 60 trẻ từ chỗ mù chữ đã biết đọc, viết và làm thành thạo toán của chương trình lớp 1 đến lớp 4.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.