Đau đầu chuyện học trò dùng di động

18/03/2011 08:32 GMT+7

Phụ huynh dù rất khó chịu với cách dùng điện thoại di động của con nhưng vẫn phải cho con dùng. Các giáo viên dường như cũng bất lực với cơn nghiện điện thoại di động của học trò.

>> Học sinh và "dế"

Từ năm ngoái, chị Phạm Hà Thanh (ngõ 210, Lê Trọng Tấn, Hà Nội) quyết định mua điện thoại cho con mình là cháu Q., một học sinh lớp 8 khối THCS trường THPT Hà Nội - Amsterdam để cháu sử dụng. Điện thoại chị Thanh mua cho con mình thuộc rẻ tiền, màn hình đen trắng, chỉ có chức năng nghe, gọi và nhắn tin.

Theo chị Thanh, ngày chị mua điện thoại cho con là thời điểm chị bắt đầu chuốc vào mình một nỗi khó chịu và chị thật sự không biết phải giải tỏa bằng cách nào.

“Điện thoại di động đang là nguyên nhân chính khiến cháu không tập trung cao độ mỗi khi học bài. Gần như hôm nào cháu cũng có bạn gọi điện, nhắn tin khi đang học. Mỗi lúc như vậy cháu lại trò chuyện với bạn hoặc ngồi bấm bấm tin nhắn trả lời đầy... mẫn cán”, chị Thanh cho biết.

Nhưng chị Thanh thấy rằng mình khó kết tội con một khi cháu vẫn học rất giỏi. “Mình thấy tác phong học tập của cháu như vậy rất không ổn nhưng lại không thể làm cho cháu hiểu nó không ổn chỗ nào”, chị Thanh tâm sự.


Giáo viên nhiều khi phải “không thấy không biết” với tình trạng học sinh sử dụng di động ở trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Chị Lan Anh, một phụ huynh trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng gặp tình trạng tương tự chị Thanh. Có một thời gian dài hai mẹ con chị lúc nào cũng căng thẳng với nhau mà lý do liên quan tới chiếc điện thoại di động.

Hầu như con trai chị đêm nào cũng thức tới 12 giờ đêm, sáng dậy mặt mũi bơ phờ. Chị đề nghị con tắt điện thoại di động khi đang học nhưng cháu không nghe. Chị không dám tịch thu điện thoại của con bởi e sẽ bị con phản ứng quyết liệt. Rốt cục chị đành lờ đi vì biết có làm căng cũng chẳng giải quyết được gì.

Phụ huynh không quản được con đã đành, nhiều giáo viên cũng cho biết, họ bất lực trước bệnh mê điện thoại của học sinh. Một giáo viên trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội kể, có lần cô kiểm tra điện thoại của một học sinh sau khi bắt gặp em ấy đang nhắn tin trong giờ, thì thấy, trong một tiết học em gửi đi được 8 tin nhắn.

Nghe xong chuyện này, một giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái thốt lên: “Vậy đã ăn thua gì! Học sinh lớp tôi dạy có em nhắn được 7 cái tin trong vòng 15 phút đầu của một tiết học!”.

Các giáo viên cho rằng, những trường hợp bị phát hiện như trên chỉ là “một phần nổi của tảng băng” về văn hóa dùng điện thoại của học sinh. Đa số học sinh sau khi được trang bị điện thoại di động đều học được kỹ năng “qua mắt” giáo viên để dùng điện thoại khi đang học bài.

Nhiều em nhắn tin nhoay nhoáy không cần nhìn vào điện thoại. Những khi cô giáo quay lưng lại với lớp để viết bảng cũng là lúc các học sinh ngồi dưới tranh thủ gửi đi được một loạt thông điệp hoặc lướt web. Đó là chưa kể một lớp học thường trên dưới 50 học sinh, giáo viên rất khó bao quát lớp.

“Học sinh thú nhận với tôi là các em ít khi khai thác mặt hữu ích của điện thoại di động. Với các em, điện thoại là để chơi game, để nhắn tin, để vào mạng buôn chuyện, để quay bài... Nhiều khi chấm bài của các em, tôi biết các em chép văn mẫu trên mạng nhưng không bắt được quả tang nên đành cho qua”, một giáo viên dạy văn trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông cho biết.

Nhiều giáo viên cho biết, trước tài ngụy trang của học sinh, các giáo viên đứng lớp buộc phải theo phương châm “không thấy không biết”. “Giáo viên chỉ bắt những trường hợp nào quá ngang nhiên. Chẳng hạn như hôm thứ sáu vừa rồi (4.3) trường tôi phải xử lý một trường hợp sử dụng điện thoại trong tiết học. Theo giáo viên bộ môn phản ánh, hôm đó cô phải nhắc nhở em học sinh ấy nhiều lần vì không tập trung học để ngồi nhắn tin nhưng em vẫn phớt lờ. Giáo viên hỏi thì em bảo em có việc cần phải nhắn, không nhắn không được. Khi kiểm tra điện thoại của em nhà trường chỉ toàn thấy những tin nhắn cho bạn bè”, thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân nói.

Quý Hiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.