Đào tạo nhân lực trình độ cao

16/01/2015 09:00 GMT+7

Dự kiến cuối năm 2016, Trường ĐH Fulbright VN bắt đầu tuyển sinh. Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn TS Vũ Thành Tự Anh ( ảnh ), Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh vấn đề nhiều người quan tâm: Làm thế nào để nộp hồ sơ? Học phí như thế nào?...

Dự kiến cuối năm 2016, Trường ĐH Fulbright VN bắt đầu tuyển sinh. Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn TS Vũ Thành Tự Anh (ảnh), Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh vấn đề nhiều người quan tâm: Làm thế nào để nộp hồ sơ? Học phí như thế nào?...

       

Tiến sĩ Tự Anh cho biết hồ sơ tuyển sinh bao gồm: bài luận, bảng điểm ĐH, giấy tờ chứng minh nhân thân (trường có chính sách ưu tiên ứng viên từ vùng sâu vùng xa, phụ nữ, người có điều kiện bất lợi). Sau đó, trường tổ chức thi tuyển tương tự tiêu chuẩn Mỹ: tiếng Anh, kỹ năng phân tích, năng lực định lượng. Căn cứ vào các điểm này, trường sẽ sắp xếp nhận sinh viên theo thứ tự từ cao xuống thấp hợp với chỉ tiêu các ngành.

Về học phí, những ngành đào tạo sinh viên ra giúp ích cho xã hội như thạc sĩ chính sách công sẽ được miễn học phí hoàn toàn bằng cách cấp học bổng hoặc học phí ở mức rất thấp. Các ngành học khác chủ yếu phục vụ cho bản thân người học sẽ có học phí.

* Trong 20 năm hoạt động, đâu là những giá trị quan trọng mà Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) mang lại cho người học và giáo dục VN?

- FETP luôn nỗ lực đi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế VN, đặc biệt là trước những bước tiến quan trọng. Ra đời từ năm 1995 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo kiến thức kinh tế thị trường, đến năm 2008, FETP quyết định mở ra chương trình thạc sĩ chính sách công.

Học viên lớp thạc sĩ chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Học viên lớp thạc sĩ chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - Ảnh: Ngọc Lan

Muốn có nhà nghiên cứu xuất sắc, phải xây dựng được môi trường thích hợp, trọng dụng nhân tài, không tuyển dụng dựa trên các tiêu chí phi học thuật

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Hiện nay, FETP đang đứng trước một cơ hội, đồng thời là một thử thách lớn, đó là phát triển thành Trường ĐH Fulbright VN. Sự bất cập của nền giáo dục ĐH VN là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và xã hội VN. Lần này, FETP hy vọng đóng góp vào nỗ lực cải cách ĐH ở VN bằng cách thử nghiệm một mô hình ĐH truyền thống trên thế giới nhưng hoàn toàn mới ở VN, đó là ĐH tư thục không vì lợi nhuận.

* Ông vừa đề cập đến Trường ĐH Fulbright VN, một kỳ vọng mới của hệ thống giáo dục ngoài công lập tại VN. Trường này thành lập dựa trên nguyên tắc nào?

- Một nguyên tắc xuyên suốt từ khi thành lập FETP cho đến sắp tới khi Trường ĐH Fulbright VN ra đời vẫn luôn là đề cao giá trị tri thức, tôn trọng tự do học thuật và giá trị nghiên cứu. Ở các trường ĐH hàng đầu thế giới, giảng dạy và nghiên cứu luôn song hành, vì để giảng dạy tốt thì phải có nghiên cứu tốt. Muốn có nhà nghiên cứu xuất sắc, phải xây dựng được môi trường thích hợp, trọng dụng nhân tài, không tuyển dụng dựa trên các tiêu chí phi học thuật.

 * Như ông đã đề cập một điểm rất mới của Trường ĐH Fulbright VN là hoạt động theo hình thức tư thục phi lợi nhuận. Mặc dù rất muốn, nhiều trường ĐH tại VN từ trước tới nay không thể thực hiện được điều này. Điểm khác biệt là ở đâu, thưa ông?

Trường ĐH Fulbright VN tuy là mô hình mới nhưng lại là mô hình tư thục không vì lợi nhuận quen thuộc ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Có 3 điểm chính, cũng là khác biệt với các trường VN mà Trường ĐH Fulbright VN xác định trong cơ chế hoạt động của mình, bao gồm quản trị, tài chính và nhân sự.

Về quản trị, trường không có chủ sở hữu, không có cổ đông như các trường tư thục khác ở VN. Điều hành trường sẽ là Hội đồng trường (Board of Trustee). Hội đồng này sẽ thuê hiệu trưởng và ban giám hiệu để quản lý trường. Mọi giá trị thặng dư (nếu có) sẽ được đầu tư trở lại cho trường chứ không chia cho bất kỳ đối tượng nào khác.

Trường sẽ được tự chủ tài chính, do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH VN quản lý. Tài chính được huy động chủ yếu từ 3 nguồn: tài trợ ổn định hằng năm của chính phủ Mỹ (chính phủ nước này vừa thông qua một đạo luật cho phép sử dụng ngân sách 20 triệu USD để Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ việc thành lập và phát triển một trường ĐH hàng đầu ở VN); tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài; và tài trợ của tổ chức, cá nhân tại VN.

Về nhân sự, trọng dụng nhân tài là nguyên lý cốt lõi; quy trình tuyển dụng, đề bạt dựa trên tài năng chứ không dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật.

*  Trường ĐH Fulbright VN kỳ vọng vào điều gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ đóng góp một cách thiết thực cho nỗ lực cải cách giáo dục ĐH ở VN bằng cách thử nghiệm mô hình mới và tạo ra giá trị giáo dục đích thực. Ban đầu, trường sẽ chỉ đào tạo thạc sĩ và phát triển với quy mô vừa phải. Sau đó, trường mới đào tạo cử nhân và tiến sĩ.

Chúng tôi kỳ vọng nhất là về chất lượng. Trường sẽ là nơi đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Ban đầu, các chuyên ngành đào tạo sẽ là chính sách công, luật, kinh tế học, tài chính, quản trị… Sau đó, sẽ từng bước chuyển sang đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài một số ngành là thế mạnh sẵn có, trường sẽ chú trọng phát triển những ngành học giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững tại VN. Chúng tôi muốn góp một phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, vốn là một trong những nút thắt tăng trưởng quan trọng ở VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.