Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Xa thực tế

28/07/2009 14:13 GMT+7

Tại buổi tọa đàm về "Nhân lực cho công nghiệp công nghệ cao" do Quỹ Học bổng Nhất nghệ tinh... TPHCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Chỉ 5% SV đáp ứng được

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc TTGTVL Ban quản lý KCX-KCN TPHCM (Hepza) - nói, nguồn cung nhân lực cho ngành công nghệ cao (CNC) từ các trường ĐH, CĐ và dạy nghề hiện vẫn cách xa về "chất và lượng" so với nhu cầu thực tế. Mỗi khi TT GTVL - Hepza nhận được nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao đều tìm đến nhờ cậy các trường ĐH, CĐ giúp săn tìm sinh viên (SV) giỏi, sau đó lựa chọn, sàng lọc những người giỏi, nhưng để tìm được đúng người theo yêu cầu không phải dễ.

Bà Lê Thị Thanh Mỹ - Phó Trưởng ban Khu CNC - TPHCM - cũng bày tỏ: Khi DN tuyển dụng, muốn tìm được người giỏi và làm việc được ngay, nhưng thực tế chỉ có khoảng 5% SV mới tốt nghiệp đáp ứng được. Kết quả khảo sát từ các DN trong Khu CNC, chỉ có 5 SV hàng đầu của các trường ĐH, CĐ tại TPHCM đứng trong "top 10" như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, CĐ Cao Thắng... ra trường có thể làm việc được ngay, còn 20 SV tiếp theo DN vẫn phải đào tạo bổ sung.

Doanh nghiệp cần vào cuộc

Tổng GĐ Cty Robert Bosch VN - ông Võ Quang Huệ cho biết, hiện DN ông đang đầu tư dự án chuyên về lĩnh vực cơ khí chính xác có tổng trị giá trên 55 triệu euro tại KCN Long Thành - Đồng Nai. Giai đoạn từ 2010-2015, DN sẽ tuyển khoảng 800 kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao vào làm việc. Tuy nhiên, tuyển được người đúng với yêu cầu công việc rất khó vì phần lớn các trường mới chú trọng đào tạo lý thuyết. 

Ông Nguyễn Hữu Phúc - đại diện ĐH Bách khoa TPHCM - thừa nhận: SV ra trường hiện nay không thể làm việc được ngay bởi mỗi DN có đặc thù riêng, trong khi nhà trường dạy theo chương trình rất chung. Để SV ra trường có thể làm việc được ngay, Trường ĐH Bách khoa đang thực hiện phương pháp giảng dạy 1/3 thời lượng cho phần cơ bản, 1/3 dạy chuyên môn và 1/3 là tự chọn học (các môn cơ sở ngành). Trường rất khuyến khích DN đầu tư, phối hợp giảng dạy cho SV phần chuyên môn.

Bà Cao Thị Nhung - Phòng Tư vấn nhân sự Vieclam Bank - cho rằng, DN muốn có nhân lực tốt cần phải có kế hoạch tuyển dụng dài hơi chứ không phải lúc cần mới đăng báo tuyển dụng. Như vậy, DN sẽ có thời gian để phối hợp với các cơ sở đào tạo lên chương trình sát với nhu cầu. Ngoài ra, nên tạo điều kiện cho SV thực tập tại DN.

Trước những tồn tại trên, nhiều ý kiến cho rằng: Cần đào tạo những người thợ có tay nghề- chuyên môn cao song song với đào tạo kỹ sư, thạc sĩ...vì nhân lực cho CNC vẫn cần đến trên 80% LĐ là những công nhân có chuyên môn- kỹ thuật và tay nghề cao.

Theo Đăng Hải / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.