Đánh giá học sinh cũng là dạy làm người

04/07/2014 03:00 GMT+7

Trong dạy học, việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh là vấn đề quan trọng được các nhà giáo dục và xã hội quan tâm.

Trong dạy học, việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh là vấn đề quan trọng được các nhà giáo dục và xã hội quan tâm.  

Đánh giá học sinh cũng là dạy làm người 
Việc đánh giá xếp loại học sinh tiểu học cần phải mang tính giáo dục, nhìn nhận đúng năng lực học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từ tổng hợp các môn đến từng môn học

Kể từ năm 1994, Bộ GD-ĐT đã không ngừng có những thay đổi trong việc đánh giá xếp loại  học sinh (HS) tiểu học.

Năm 1990, Bộ GD-ĐT đánh giá xếp loại bằng cách cho điểm và cộng điểm tất cả thành tổng, chia ra lấy điểm trung bình cộng mỗi tháng để xếp hạng HS từ cao xuống thấp. Cách đánh giá và khen thưởng này tồn tại lâu dài. Mặt tích cực là tuyên dương HS giỏi để kích thích sự học tập đồng thời thúc đẩy HS yếu kém ở hạng dưới thấp vươn lên. Tuy nhiên, có mặt tiêu cực là những HS không vươn lên được, luôn bị áp lực từ gia đình, nhà trường, rồi lo sợ dẫn đến khủng hoảng và bỏ học.

Thông tư số 15 mà Bộ GD-ĐT ban hành vào tháng  8.1995 là một cuộc cách mạng về đánh giá xếp loại HS tiểu học. Kiểm tra học kỳ, tính điểm và xếp loại theo môn học (trọng tâm là tiếng Việt và toán); bỏ việc xếp hạng trong lớp. Điều này hạn chế việc giáo viên cấy điểm vào sổ điểm cho đủ cột điểm hằng tháng, mở ra cho cách đánh giá từng môn học. Cách  đánh giá này ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp dạy học. Các nhà quản lý giáo dục cho rằng đây là giáo dục toàn diện và thể hiện rõ nhất trong lần thay chương trình - sách giáo khoa  năm 2000. 

Đánh giá bằng nhận xét

Đến năm 2000, Bộ GD-ĐT thí điểm đánh giá xếp loại HS tiểu học theo cách mới, kết hợp đánh giá định lượng và định tính. Chỉ cho điểm một số môn học, các môn còn lại chỉ đánh giá bằng nhận xét.

Năm 2009, Bộ ban hành Thông tư số 32 lấy kết quả kiểm tra cuối năm học làm cơ sở khen thưởng, được lên lớp và hoàn thành tiểu học đối với HS lớp 5.  Nhưng sau 4 năm thực hiện, cách đánh giá này vẫn chưa đi vào nền nếp ổn định. Theo cách đánh giá này, hệ thống sổ sách, ghi chép, theo dõi của giáo viên phải khoa học, tương thích. Tất cả những việc này còn chưa được chuẩn bị chu đáo và đồng bộ. Giáo viên chưa được tập huấn nhuần nhuyễn phương pháp dạy học và kiểm tra. Các lần kiểm tra định kỳ vẫn được tổ chức như một  kỳ thi cấp quốc gia tạo cho HS và phụ huynh áp lực nặng nề. Lãnh đạo trường thì lo lắng về thành tích thi đua mà trường và giáo viên đã đăng ký. 

Nếu nhận xét không chính xác…

Thông tư 32 dù được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khi triển khai còn mang tính mệnh lệnh, áp đặt, thiếu tuyên truyền, giải thích nên chưa được sự đồng thuận của xã hội.

Năm học 2013 - 2014, chủ trương cho điểm HS lớp 1 ngay từ những ngày đầu đi học làm phụ huynh lo lắng, dư luận phản đối. Các cấp quản lý giáo dục lúng túng khuyến khích giáo viên không cho điểm HS và chỉ ghi nhận xét tích cực hoặc khen. Các địa phương vận dụng sao cho phù hợp để yên lòng cha mẹ HS và báo chí thôi lên tiếng.

Việc không đánh giá bằng điểm số cho HS lớp 1 và thay bằng hình thức nhận xét khi giáo viên chưa được hướng dẫn và có bảng nhận xét để làm công cụ đánh giá là sự vội vàng mang tính tình thế. Hơn nữa khuyến khích giáo viên sử dụng hình thức động viên là chưa có cơ sở đầy đủ để đảm bảo yêu cầu và tiêu chuẩn của kiến thức mà HS phải đạt được. HS đến trường là để được giáo dục. Bản thân mỗi HS tiếp nhận khác nhau nên cần phải nhận xét đúng khả năng để giúp đỡ, hướng dẫn thật cụ thể và mới có đầy đủ cơ sở để khuyến khích, động viên. Mọi sự vội vàng trong đánh giá của giáo dục dễ dẫn đến sai lệch ảnh hưởng tâm lý và tính cách của trẻ và cha mẹ các em khi nhìn nhận năng lực thật sự. Đây cũng là hình thức dạy làm người. Biết chấp nhận năng lực thật sự của mình tức “biết mình” là yếu tố cho sự thành công khi làm con người trong đời sống xã hội để cạnh tranh lành mạnh mang đến thành công.

Giáo dục tiểu học hiện đại còn rất ít quốc gia đánh giá bằng điểm số thay vào đó là ghi nhận kết quả HS đạt được, chưa đạt với nhân xét chi tiết, rõ ràng để HS và phụ huynh hiểu rõ, nắm được việc học và cùng nhà trường hợp tác.  

3 hình thức đánh giá kết quả học tập

- Điểm số: Sử dụng những mức điểm khác nhau trên một thang điểm để thông báo kết quả học tập của HS. Nó chỉ ra mức độ của HS và chuẩn xếp loại.

-Nhận xét: Sử dụng phương pháp quan sát các hành vi của HS biểu hiện biết, hiểu và làm được đến đâu và giáo viên nhận xét đánh giá. Hình  thức này rất tỉ mỉ, giáo viên phải tốn nhiều công sức để nhận xét đúng kết quả học tập của HS, có tác dụng tích cực giúp HS và phụ huynh hiểu rõ năng lực  học tập để rèn luyện và phát triển. Hiện nay, cấp tiểu học các nước đều sử dụng hình thức đánh giá bằng nhận xét.

 - Động viên: Sử dụng đánh giá cho điểm hoặc bằng nhận xét để khuyến khích, tạo cảm xúc cho HS.

Lê Ngọc Điệp
(nguyên Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM) 

>> Đánh giá học sinh không bằng điểm số
>> Tham gia chương trình quốc tế đánh giá học sinh
>> An toàn giao thông là tiêu chí đánh giá học sinh
>> Kiểm tra đánh giá học sinh: Bộ GD-ĐT “quên” cải cách ! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.