Công nghệ không chỉ là máy tính và mạng: Tạo môi trường học tập kết nối

18/12/2014 05:23 GMT+7

Đưa những nội dung sách giáo khoa lên mạng, tạo cơ sở dữ liệu cho những tài liệu quý hiếm làm tài nguyên để người dạy - người học có thể khai thác sử dụng, xây dựng mô hình trường học kết nối... là xu thế tất yếu khi tận dụng công nghệ cho chương trình, sách giáo khoa mới.

Đưa những nội dung sách giáo khoa lên mạng, tạo cơ sở dữ liệu cho những tài liệu quý hiếm làm tài nguyên để người dạy - người học có thể khai thác sử dụng, xây dựng mô hình trường học kết nối... là xu thế tất yếu khi tận dụng công nghệ cho chương trình, sách giáo khoa mới.

 
Cần tạo cơ sở dữ liệu học tập trên mạng làm tài nguyên để người dạy - người học có thể khai thác sử dụng

Cần tạo cơ sở dữ liệu học tập trên mạng làm tài nguyên để người dạy - người học có thể khai thác sử dụng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nên công bố nội dung sách giáo khoa lên mạng

Hiện nay, tuy cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa (SGK) nhưng chưa bao giờ nội dung của bộ sách này được công bố trên mạng miễn phí. Học sinh chủ yếu vẫn mua SGK bản in để học.

Ứng dụng công nghệ vào giáo dục ở một số nước

 Hàn Quốc: Từ năm 2003, Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ Hàn Quốc đã đưa vào sử dụng mạng máy tính (NEIS) chứa đựng hồ sơ của mỗi giáo viên, học sinh. Hệ thống này giúp giáo viên hiểu học sinh hơn; giáo viên có thể xem kết quả bài thi, đánh giá và cả thông tin sức khỏe của học sinh. Ngoài ra, hiện nay học sinh có thể xem và tải về các bài giảng thông qua hệ thống phát sóng giáo dục trên internet (EBSI).

Thái Lan: 8 triệu học sinh và 400.000 giáo viên ở nước này đang dùng Office 365. Đây là bộ ứng dụng văn phòng chạy trên nền tảng web, cung cấp các ứng dụng phổ biến như Word, Excel, SharePoint, Outlook và khả năng kết nối giữa sinh viên, giảng viên và giáo viên như nhắn tin tức thời, họp trực tuyến...

Mỹ: Hồi năm 2013, Tập đoàn Microsoft thông báo 10 trường học và 24 học khu ở Mỹ dùng hệ điều hành Window 8 mang tính linh hoạt cao. Ngoài ra, dự kiến đến năm 2017, mỗi học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông ở Mỹ sẽ được trang bị SGK điện tử.

Minh Trung (tổng hợp)

Giáo sư Ngô Bảo Châu, trong bài viết mang tên SGK, ngân sách và Wikipedia đã chính thức đề xuất phương án công bố hoàn toàn nội dung SGK lên mạng. “Trên nguyên tắc người dân phải được sử dụng miễn phí những sản phẩm làm ra từ ngân sách nhà nước, bởi xét cho cùng họ đã trả tiền cho những sản phẩm này rồi”, Giáo sư Châu viết.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, công bố SGK lên mạng sẽ có chỗ để người sử dụng đóng góp và nhận xét. Cơ quan bảo trì sẽ chịu trách nhiệm quản trị cho diễn đàn, tổng kết và nhận xét, cả những lỗi phải sửa và những chỗ có thể cải thiện, để ban biên soạn có thể điều chỉnh theo định kỳ. Chỉ đến khi thấy rõ những bất hợp lý cơ bản về cấu trúc thì mới cần xây dựng lại chương trình, SGK.

Góp ý cho đề án đổi mới chương trình, SGK mới, không ít ý kiến cũng đã đề xuất nên đưa nội dung đã được Bộ thẩm định và phê duyệt lên mạng để người dạy và người học có thể khai thác, sử dụng mà không nhất thiết phải mua bản in.

Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 mà Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp vừa qua cũng chưa đề cập cụ thể đến vấn đề này mà chỉ nêu một cách chung chung: Đăng tải trên internet tài liệu về thiết bị dạy học kỹ thuật số, hệ thống ngân hàng bài giảng; tài liệu hướng dẫn thực hiện dạy học những nội dung mới, phương thức tổ chức dạy học mới... để giáo viên, học sinh có thể tham khảo trong quá trình dạy và học theo chương trình mới. Tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, ứng dụng việc đưa lên internet, chương trình truyền hình/phát thanh giáo dục quốc gia các nội dung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng dưới các hình thức như tài liệu tham khảo, sách hướng dẫn, bài giảng của các báo cáo viên, các tác giả chương trình và SGK; các bài giảng của những giáo viên giỏi.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu sẽ tổ chức nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện. Dự kiến kinh phí ban đầu để làm việc này là 10 tỉ đồng.

Trả lời phóng viên Thanh Niên về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc đưa nội dung SGK lên mạng là một việc đã được tính đến. Tuy nhiên, với bộ SGK mà Bộ tổ chức biên soạn bằng ngân sách nhà nước cấp thì việc này có thể thực hiện được nhưng với những bộ/cuốn sách do các tổ chức cá nhân khác biên soạn thì phải giải quyết vấn đề bản quyền trước khi làm việc này.

Tạo kho học liệu, mở diễn đàn...

Tháng 10 vừa qua, Bộ đã nhấn nút khai trương mô hình Trường học kết nối tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn.

Mô hình này rộng hơn E-learning bởi ngoài các bài học trực tuyến, trong Trường học kết nối còn có cả kho học liệu, diễn đàn, các hoạt động chuyên môn, các cuộc thi dành cho học sinh và giáo viên như thi học sinh giỏi khoa học kỹ thuật, thi thiết kế bài dạy tích hợp...

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Có thể hình dung website này đầy đủ thành phần như một trường học chứ không chỉ đơn thuần hoạt động dạy - học. Không gian và thời gian trên Trường học kết nối là vô tận. Đối tượng là tất cả giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý của các trường phổ thông, các trường sư phạm”. Bộ sẽ phân tài khoản vào mạng thông qua từng cấp, từ trung ương xuống địa phương và cơ sở cuối cùng là giáo viên - học sinh sẽ nhận tài khoản từ các nhà trường. “Chúng tôi hình dung là tất cả giáo viên, học sinh phổ thông hiện nay đều có thể tham gia hoạt động trên Trường học kết nối”, ông Hiển nói.

Nói rõ hơn về việc học sinh tham gia vào Trường học kết nối, ông Hiển cho biết: “Các em có quyền lựa chọn bài học cùng giáo viên trong phạm vi toàn quốc để học; được đăng ký học cá nhân hoặc theo nhóm; được trao đổi, thảo luận với nhau và trao đổi với giáo viên; nộp kết quả học tập qua mạng”. Bộ đang phấn đấu để đến hết học kỳ 1 năm học 2014 - 2015, tất cả các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều được cấp tài khoản quản lý và trực tiếp cấp tài khoản.

Theo ông Hiển, Trường học kết nối giúp các giáo viên có nguồn học liệu phong phú, tác động tích cực từ nội dung được lựa chọn để dạy học tới việc thiết kế việc dạy học. Mọi người có thể tùy ý lựa chọn nội dung nhất định để tham gia. Rất nhiều thiết bị dạy học không có trong thực tế nhưng lại có trên đó.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, để Trường học kết nối hoạt động có hiệu quả cần phải có những yêu cầu về nội dung đưa lên mạng, học sinh và giáo viên phải có năng lực nhất định để sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin. Ngoài ra, phải có máy chủ đủ lớn để chứa được lượng dữ liệu khổng lồ trên đó và đường truyền mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.