Có được chọn môn thay thế ngoại ngữ ?

08/02/2015 04:36 GMT+7

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 7.2 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhiều học sinh băn khoăn về việc lựa chọn môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 7.2 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhiều học sinh băn khoăn về việc lựa chọn môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.
 
Học sinh Hoàng Thị Ngọc Trâm, lớp 12A1 Trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Hoàng Thị Ngọc Trâm, lớp 12A1 Trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, tỉnh Đắk Lắk đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nên chọn trường, ngành để trúng tuyển từ nguyện vọng 1
Một trong những điểm thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ là cách thức xét tuyển nguyện vọng. Do đó, hầu hết học sinh (HS) quan tâm tới vấn đề này. Hồ Mỹ Linh, Trường THPT Đông Du, nêu câu hỏi: “Cụ thể việc xét tuyển sẽ như thế nào, em nên chọn nguyện vọng ra sao để có nhiều cơ hội trúng tuyển?”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, giải đáp: “Sau khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc và có điểm, các sở GD-ĐT sẽ xét tốt nghiệp cho thí sinh dựa trên kết quả các môn các em đăng ký. Sau đó, các trường ĐH, CĐ sẽ xét tuyển theo tổ hợp môn. Theo đó, thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu báo điểm khác nhau để tham gia 4 đợt xét tuyển, mỗi đợt được tối đa 4 nguyện vọng. Thời gian xét tuyển mỗi đợt dự kiến 20 ngày. Các em nên đăng ký 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Nếu trúng tuyển 1 trong 4 nguyện vọng thì thí sinh sẽ được cấp giấy báo trúng tuyển. Trong trường hợp các em không đậu thì tiếp tục sử dụng các phiếu còn lại để xét tiếp. Nhưng các em lưu ý, cố gắng chọn ngành, trường phù hợp để trúng tuyển ngay trong đợt 1 vì hầu như 75% chỉ tiêu sẽ hoàn thành ngay trong đợt đầu tiên, các đợt tiếp theo chỉ còn khoảng 25% chỉ tiêu”.
Quan tâm đến điểm ưu tiên, Nguyễn Thị Thu Thủy, HS Trường THPT Chu Văn An, thắc mắc: “Năm nay điểm ưu tiên tỉnh Đắk Lắk như thế nào? Tụi em được cộng tất cả bao nhiêu điểm?”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa tiếp tục thông tin: “Toàn bộ HS khu vực Tây nguyên được cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực 1. Nếu thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên 1 thì được cộng thêm 2 điểm nữa, nhóm đối tượng 2 được cộng thêm 1 điểm”.
Việc chọn môn thi cũng gây nhiều băn khoăn cho thí sinh. Lê Thị An, HS Trường THPT Đông Du, hỏi: “Em không chọn môn tiếng Anh để thi xét tốt nghiệp có được không? Nếu em muốn xét vào ĐH ngành có môn tiếng Anh thì sẽ phải thi môn tiếng Anh có đúng không?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Theo dự thảo quy chế kỳ thi tốt nghiệp, để xét tốt nghiệp các em phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ. Nếu thí sinh có chứng chỉ quốc tế được công nhận bởi Bộ GD-ĐT thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ đối với việc xét tốt nghiệp”.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm: “Đối với các địa phương chưa có điều kiện tổ chức dạy tốt môn ngoại ngữ thì sẽ đề xuất để Bộ GD-ĐT cho phép dùng môn khác thay thế môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, các em cần đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT”. Tiến sĩ Nghĩa lưu ý khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ có dùng môn ngoại ngữ để xét tuyển thì thí sinh bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ.
Cơ hội việc làm tại địa phương
HS Nguyễn Văn Hiếu, lớp 12 Trường THPT Đông Du, trăn trở: “Những năm gần đây, việc làm là vấn đề nhức nhối đối với sinh viên. Em thấy nhiều anh chị ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Vậy tụi em phải chọn ngành gì để có cơ hội việc làm cao?”. Tiến sĩ Đoàn Xuân Thu, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tây nguyên, đưa ra lời khuyên: “Muốn có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và là ngành nghề có nhiều nhu cầu lao động tại nơi các em dự định sẽ xin việc làm”.
Trong khi đó, bà Đinh Nguyễn Thị Thanh Phượng, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết thêm tại địa phương đang thiếu rất nhiều lao động ở các ngành dịch vụ, khách sạn nhà hàng, phát triển thị trường và marketing. Tiến sĩ Phan Nhật Khánh, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cũng nhận định tại tỉnh nhà, nhất là vùng sâu vùng xa đang rất thiếu giáo viên mầm non do các địa phương mở nhiều điểm trẻ tại trường mẫu giáo và nhà trẻ tư nhân cũng đang phát triển.
Hoàng Thị Bảo Trâm, HS Trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, có nguyện vọng học ngành hệ thống thông tin quản lý nhưng không biết ngành này sẽ học những gì, có liên quan đến công nghệ thông tin hay không và điểm chuẩn bao nhiêu? Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thông tin: “Ngành hệ thống thông tin quản lý kết hợp 2 lĩnh vực đào tạo: trang bị kiến thức liên quan quản trị và quản lý, đồng thời thêm kiến thức về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị, quản lý. Khu vực phía nam có một số trường ĐH đào tạo ngành này như Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế Luật - ĐH Quốc gia TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Tài chính - Marketing, Mở TP.HCM.
Ra trường các em có thể làm việc tại các bộ phận phân tích nghiệp vụ kinh doanh, quản trị, quản lý hệ thống thông tin trong doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan nhà nước”.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức thành công chương trình: Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Vietravel, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.