Có biểu hiện chấm "chặt" môn Văn, Địa ở một số tỉnh ĐBSCL

25/06/2009 18:29 GMT+7

Bộ đã cử các cán bộ ra đề thi và một số giáo viên có kinh nghiệm về chấm thẩm định theo xác suất khoảng từ 2% đến 5% tổng số bài thi các bộ môn tương ứng của các tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm), An Giang (do Vĩnh Long chấm), Đồng Tháp (do Bến Tre chấm) và Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm) để đánh giá việc tổ chức chấm thi ở những tỉnh này.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy: về cơ bản, quy trình chấm thi đảm bảo đúng qui chế, tuy nhiên việc vận dụng hướng dẫn chấm của giám khảo một số địa phương có phần cứng nhắc. Cụ thể, đối với bài thi môn Ngữ văn của tỉnh Đồng Tháp (do Bến Tre chấm): việc vận dụng biểu điểm ở câu 1 và câu 3 có biểu hiện “chặt”. Trong số 229 bài chấm thẩm định có 36 bài (15,71%) có biểu hiện chấm chặt.

Bài thi môn Ngữ văn của tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm): việc vận dụng biểu điểm của giám khảo ở câu 1 và câu 3 không thật đồng đều; trong số 216 bài chấm thẩm định, có 31 bài (14,38%) có biểu hiện chấm chặt và 1 bài (0,46%) có biểu hiện chấm lỏng.

Đối với bài thi môn Ngữ văn của tỉnh An Giang (do Vĩnh Long chấm): các giám khảo đã chấm chính xác, vận dụng đúng biểu điểm; trong số 217 bài chấm thẩm định chỉ có 11 bài (5,07%) có biểu hiện chấm chặt.

Bài thi môn Địa lý của tỉnh Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm): các giám khảo đã chấm chính xác, vận dụng đúng biểu điểm; trong số 225 bài chấm thẩm định chỉ có: 02 bài (0,8%) có biểu hiện chấm chặt, 02 bài (0,8%) có biểu hiện chấm lỏng.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của An Giang năm nay đạt 75,20% ở hệ THPT và 11,70% ở hệ giáo dục thường xuyên; Kiên Giang đạt 59,38% ở hệ THPT và 7,17% ở hệ giáo dục thường xuyên; Đồng Tháp đạt 63,08% ở hệ THPT và 8,97% ở hệ giáo dục thường xuyên; Hậu Giang đạt 61,95% ở hệ THPT và 4,65% ở hệ giáo dục thường xuyên.

Cũng như các kỳ thi trước, năm nay Bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định để rút kinh nghiệm các khâu coi thi và chấm thi của các địa phương. Trước mắt, quyền lợi phúc khảo bài thi của thí sinh sẽ thực hiện theo qui định của quy chế thi.

Năm 2009 là năm đầu tiên các Sở giáo dục và đào tạo thực hiện chấm chéo. Các Sở giáo dục và đào tạo đã nỗ lực huy động lực lượng chấm thi để đảm bảo tiến độ. Trước khó khăn về thiếu giám khảo môn Địa lý, Bộ đã cho phép các Sở huy động những cán bộ có con, em dự kỳ thi năm nay tham gia chấm thi (điều này không ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình chấm do bài thi được chấm chéo tỉnh). Nhìn chung, các Sở đều tuân thủ tiến độ, quy trình chấm. Ngày 18.6, tất cả các Sở đã hoàn thành xét tốt nghiệp tạm thời. Việc sử dụng phần mềm chấm thi thống nhất trên toàn quốc đã góp phần đảm bảo tiến độ chấm và xét tốt nghiệp nhanh hơn, các thống kê kết quả đa dạng hơn giúp cho Bộ và Sở có thể đánh giá các khía cạnh khác nhau của kỳ thi.

Năm nay, xét tình hình thực tế, Bộ đã cho phép chấm bình thường các bài thi làm một trong hai phần riêng; các bài làm cả hai phần riêng thì bị coi là phạm qui và không được chấm phần riêng. Đối với việc giám thị ở Hội đồng thi Marie Curie (Hải Phòng) hướng dẫn học sinh làm sai phần riêng Bộ cho phép chấm tất cả các câu thí sinh đã làm ở phần riêng; không xét đến các lỗi (nếu có) mà học sinh mắc phải do giám thị hướng dẫn sai.

Các Hội đồng chấm thi đã tổ chức chấm chung tất cả các bài có dấu hiệu bất thường, trong đó không chấm phần thí sinh làm bằng các bút/mực trái quy định. Riêng các bài vẽ hình, vẽ biểu đồ (ngoài việc vẽ hình tròn) bằng bút chì, nếu có tỷ lệ cao trong Hội đồng chấm thi thì vẫn tổ chức chấm bình thường nhưng phải tăng cường giám sát và kiểm tra xác xuất việc chấm các bài này.

Tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm 2009 là 83,8%; hệ giáo dục thường xuyên là 39,6%

Chiều nay 25.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chính thức tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm 2009 là 83,8% và hệ giáo dục thường xuyên là 39,6%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2009 cao hơn tỷ lệ đỗ lần 1 của năm 2008 là 7,8% và thấp hơn tỷ lệ đỗ cả 2 lần của năm 2008 là 2,8%. Đơn vị có tỷ lệ đỗ cao nhất là Nam Định (98,26%); khu vực có tỷ lệ đỗ cao là Đồng bằng bắc Bộ; Đơn vị có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La (39,07%).

Phần lớn các địa phương, đơn vị (50/63) đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng; các địa phương có tỷ lệ đỗ tăng nhiều là Nghệ An (25%), Cao Bằng (23%), Hòa Bình (23%), Lai Châu (22%); Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ đều tăng 20%.

13 địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm: giảm nhiều nhất là Hà Tĩnh (16%); các địa phương có tỷ lệ đỗ giảm từ 5% trở lên là Sơn La (14%), Đồng Tháp 10%, Ninh Thuận, Hậu Giang (7%) và An Giang (5%).

Hệ giáo dục thường xuyên: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong toàn quốc là 39,6%, thấp hơn cùng kỳ năm 2008 là 2,8% và cao hơn cùng kỳ năm 2007 là 13,17%. Các đơn vị có kết quả cao là Cục Nhà Trường (91,47%), Thái Bình (89,76%); Các đơn vị có kết quả thấp là Sóc Trăng (3,91%), Kon Tum (4,2%), Hậu Giang (4,65%), Gia Lai (5,9%), Sơn La (6,58%), Kiên Giang (7,1%) và Đồng Tháp (8,97%). Có 24/64 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng. Các đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng nhiều là Cục Nhà Trường (26%), Quảng Bình (22%), Tuyên Quang (19%), Hải Dương và Đắk Nông (18%).

Nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 diễn ra nghiêm túc với hai giải pháp mới là thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận đã nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội.  Kết quả thi với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT tăng tương đối đồng đều ở tất cả các địa phương (chỉ có 1 tỉnh tỷ lệ đỗ dưới 50%), không làm thay đổi nhiều về thứ hạng của các đơn vị trong toàn quốc theo tỷ lệ tốt nghiệp so với năm 2008.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.