Chuyên gia phản biện

24/01/2012 07:43 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Nếu phản biện giáo dục được xem là một “nghề” tại Việt Nam, Giáo sư (GS) Phạm Phụ phải là một trong những người được xếp vào đội ngũ tiên phong.

Mấy tháng nay ông bị bệnh phải nằm ở nhà, các hội thảo, hội nghị về giáo dục, nhất là giáo dục đại học thiếu những góp ý hùng hồn của ông dường như trở nên buồn hẳn.


 GS Phạm Phụ - Ảnh Nhân vật cung cấp

Người vượt rào

GS Phạm Phụ sinh ra trong một gia đình nghèo tại Quảng Ngãi. Bố mất sớm nên dù là con một, mẹ ông cũng từng buộc ông nghỉ học khi học xong cấp 1 để ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng, trước sự quyết tâm của ông, mẹ ông tiếp tục đồng ý cho con đi học. May mắn là sau đó ông được cấp học bổng 12 kg gạo/tháng để theo đuổi học tập.

Ông tự nhẩm tính mình ngồi trên ghế nhà trường, tính cả ĐH, chỉ khoảng 15 năm, chưa đủ thời gian để nhận bằng cử nhân như hiện nay. Tất cả mọi thành công đến với ông sau này đều do quá trình tự học, tự mày mò nghiên cứu.

" Thực tình thì tôi vẫn chưa đủ can đảm vì đôi khi tôi cũng ngồi im dù không đồng ý, nhưng nói theo và nói không phải như mình đã suy nghĩ kỹ thì không bao giờ"

GS Phạm Phụ

Cử nhân Phạm Phụ khi ấy học lên tiến sĩ cũng chủ yếu nhờ tự học. Ông làm luận văn tiến sĩ về hệ thống thủy điện mà không hề có bất kỳ một giáo viên hướng dẫn nào. Chỉ đến khi luận văn hoàn thành mới có một hội đồng được thành lập ở Bộ Giáo dục - Đào tạo để chấm đề tài. Sau năm 1975, ông lại “vượt rào” dự tuyển kỳ thi tiếng Anh để đi học... thạc sĩ tại Học viện Công nghệ châu Á - AIT (Thái Lan). Là tiến sĩ rồi đi học thạc sĩ là một quyết định ngược, nhưng đây lại là bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Cùng với thời gian được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban Quốc tế Mekong (1986 - 1988), ông có cơ hội tìm hiểu giáo dục đại học các nước để từ đó so sánh và góp ý cho giáo dục đại học Việt Nam. Từ khoa, từ trường, viết báo, rồi từ uy tín của mình, ông được mời góp ý cho các hội nghị trên cả nước và trở thành thành viên của Hội đồng Quốc gia giáo dục.

Ông kể: “Tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn giáo dục đại học trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển hy vọng có thể lấp chút ít vào “chỗ trống” của Việt Nam. Chuyện nghiên cứu và phản biện giáo dục đại học đối với tôi cũng là “vượt rào” vì chuyên ngành của tôi là thủy điện. Mừng là có nhiều người chịu để cho tôi nói, dù nhiều khi người ta không lắng nghe”.

Vào năm 1990, ông cũng đã “vượt rào” khi thành lập Khoa Quản lý công nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cho đến lúc đó, chưa có tiền lệ một khoa mới thành lập lại có chương trình thạc sĩ trước chương trình cử nhân, lại là chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh thuộc loại sớm nhất tại Việt Nam, đầu vào chủ yếu là kỹ sư. Cũng chưa hề có tiền lệ một giáo sư về thủy điện, không hề có bất kỳ bằng cấp nào về lĩnh vực này lại đứng ra thành lập, làm trưởng khoa và đứng lớp, dạy cả thị trường chứng khoán trước khi Việt Nam có thị trường chứng khoán.

Thà im lặng chứ không nói theo

Nhắc đến GS Phạm Phụ, người ta nhớ đến những góp ý thẳng thắn và hùng hồn, dữ liệu đầy đủ, xoáy sâu vào tận ngóc ngách của mỗi vấn đề giáo dục. Đã từ nhiều năm nay, các cuộc hội nghị giáo dục từ bắc tới nam đều ít khi vắng mặt ông. Đã bốn tháng nay, bị tai nạn ảnh hưởng đến chân, GS Phạm Phụ phải nằm ở nhà. Không được hòa vào dòng chảy của giáo dục, ông buồn.

Sự thẳng thắn của GS Phạm Phụ đôi khi làm nhiều người e ngại giùm cho ông. Nhưng ông cười xòa: “Tôi không ngại khi phản biện. Bởi, mỗi điều tôi nói ra đều dựa trên sự công tâm, góp ý xây dựng, luận chứng khoa học chính xác và đề nghị cách giải quyết cụ thể. Thực tình thì tôi vẫn chưa đủ can đảm vì đôi khi tôi cũng ngồi im dù không đồng ý, nhưng nói theo và nói không phải như mình đã suy nghĩ kỹ thì không bao giờ”. Theo ông, việc phản biện giáo dục hiện nay đa phần vẫn còn hơi cảm tính, chưa đi vào gốc gác của vấn đề. Phản biện phải khoa học mới có thể thuyết phục người khác. Thậm chí, ở mức cao hơn, phải có một hội đồng, tập hợp ý kiến phản biện theo phương pháp khoa học về vấn đề nào đó, để đưa ra giải pháp. Việt Nam có Hội đồng Giáo dục quốc gia, nhưng đã nhiều năm nay không có hoạt động gì.

Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.