Chọn đúng ngành, làm hồ sơ đúng cách

13/03/2011 02:11 GMT+7

Ngày mai, 14.3, các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường ĐH, CĐ năm 2011. Thanh Niên Online đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về việc chọn ngành nghề và làm hồ sơ ĐKDT tránh sai sót.

 

 Hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ ĐKDT trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2011 của Báo Thanh Niên tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đ.N.T

Tham gia chương trình có ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) và ông Nguyễn Quốc Cường - Chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM.

4 bước chọn ngành dự thi

Nên chọn ngành phù hợp với nhu cầu xã hội hay phù hợp với bản thân là câu hỏi mà hầu hết thí sinh (TS) đang quan tâm trong thời điểm này. Ông Nguyễn Quốc Cường khuyên: “Các em cần tự xác định theo 4 bước: thứ nhất, có thể chọn cho mình một vài ngành nghề theo sở thích; sau đó, xem xét năng lực của mình có phù hợp với những ngành nghề đã chọn hay không; tiếp đến là sức học của em như thế nào; cuối cùng xem nhu cầu xã hội. Có thể tham khảo những thông tin này tại website của Sở LĐ-TB-XH để xem những dự báo nhân lực trong tương lai”.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Trong giai đoạn 2011-2015, những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động cao, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố bao gồm: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán (11%), Xây dựng - Kiến trúc (11%), Du lịch - Giải trí - Nhà hàng - Khách sạn (10%), Dệt may - Giày da (35%)… Trong đó, yêu cầu về trình độ ĐH là hơn 15%, sau ĐH là gần 10%, CĐ là 13%, TC là 11%. Ngoài ra, nhân lực có trình độ sơ cấp và lao động phổ thông cần tới hơn 50%”. Về nhu cầu nhân lực cụ thể, ông Tuấn cho biết cũng trong giai đoạn này, dự kiến tốc độ tăng bình quân chỗ làm việc từ 3% - 5%/năm, cho thấy TP.HCM sẽ có nhu cầu cung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm.

Thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT

TS nộp hồ sơ từ 14.3 đến 14.4 theo hệ thống Sở GD-ĐT. Sau đó có thể nộp tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, số 3 Công trường quốc tế hoặc nộp trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ từ ngày 15- 21.4.

Ông Tuấn nhấn mạnh, hiện nay có nhiều ngành nghề đang “thất thế” trong thị hiếu của số đông, tuy nhiên tương lai vẫn nằm trong danh mục nghề có nhu cầu lớn. Đó là những nghề thuộc nhóm ngành Cơ khí, Điện, Hóa chất, Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Kỹ thuật thủy sản, Công nghệ địa chất - Vật lý, Toán, Thống kê, Công nghệ sinh học, Xã hội học…

Những nhầm lẫn khi làm hồ sơ ĐKDT

Ông Nguyễn Quốc Cường nhận định: “Hằng năm, TS rất hay nhầm lẫn ở mục 2 và mục 3. Các em cứ nghĩ mục 3 là để ghi nguyện vọng (NV) 2. Thực ra đây là mục dành cho các TS có NV1 vào các trường không tổ chức thi tuyển. Nếu TS có NV1 học tại trường có tổ chức thi thì sẽ khai đầy đủ ở mục 2 và bỏ qua mục 3”.

Ông Cường cũng lưu ý thêm, rất nhiều TS lơ là khi làm hồ sơ dẫn đến trường hợp sai khối thi, sai mã ngành. Chẳng hạn nhiều em muốn thi vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng lại ghi khối thi là D1 trong khi trường này chỉ thi khối A. Với sơ sót này, TS chỉ có thể sửa lại khối thi chứ không thể sửa lại ngành thi. Do đó, TS cần đọc kỹ hướng dẫn làm hồ sơ in ở mặt sau phiếu số 2, đồng thời tham khảo cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 để xem trường mình thi tổ chức thi khối đó ở ngành đó hay không. Khi đọc hướng dẫn mà chưa hiểu thì phải hỏi trực tiếp cán bộ thu hồ sơ hoặc gọi trực tiếp đến số điện thoại tư vấn.

Khi khai hồ sơ xong, TS cần lấy dấu xác nhận của địa phương, kèm theo 2 tấm ảnh, 3 phong bì ghi địa chỉ bỏ vào hồ sơ.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.