Chấm thi THPT quốc gia cụm địa phương: Điểm thấp hơn mọi năm

11/07/2015 05:58 GMT+7

Kết quả chấm thi mấy ngày qua ở các cụm thi do địa phương chủ trì thấp hơn những năm trước. Điều này nằm trong dự đoán vì đây là những thí sinh chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo nhận định, tỷ lệ đậu tốt nghiệp vẫn sẽ không thay đổi.

Kết quả chấm thi mấy ngày qua ở các cụm thi do địa phương chủ trì thấp hơn những năm trước. Điều này nằm trong dự đoán vì đây là những thí sinh chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo nhận định, tỷ lệ đậu tốt nghiệp vẫn sẽ không thay đổi.
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi tại cụm thi địa phương ở Bình Định hôm qua (10.7) - Ảnh: Tâm NgọcThứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi tại cụm thi địa phương ở Bình Định hôm qua (10.7) - Ảnh: Tâm Ngọc
Thong thả chấm thi
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, do năm nay chỉ còn một kỳ thi nên nếu như áp lực chấm thi dồn về các cụm thi do trường ĐH chủ trì thì với các cụm thi địa phương lại khá… thong thả.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ ngày 9.7 mới bắt đầu chấm thi, có hơn 10.000 thí sinh (TS) dự thi cụm thi địa phương nên năm nay việc chấm thi sẽ không nặng như các năm trước. Dự kiến sẽ hoàn thành tiến độ chấm theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT, ông Chất thông tin ngắn gọn.
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, cho hay sáng 9.7 mới bắt tay vào việc chấm các bài thi môn tự luận. Còn bài thi trắc nghiệm thì bao giờ Bộ có “lệnh” mới bắt đầu chấm. Theo ông Quý, sở dĩ việc chấm thi bắt đầu chậm như vậy vì năm nay chỉ phải chấm bài thi của hơn 2.000 TS, giảm khoảng 50% so với năm trước. “Dự kiến việc chấm thi sẽ diễn ra trong vòng một tuần”, ông Quý cho hay.
Tương tự, bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Lạng Sơn, cho biết từ chiều 8.7 mới bắt đầu chấm thi. Dự kiến trong 5 ngày sẽ hoàn thành khâu chấm, sau đó là ghép phách, ghép điểm và công bố kết quả.
Trong khi đó, Bắc Ninh dù chỉ có rất ít TS nhưng đã bắt tay vào chấm thi từ ngày 6.7. Đại diện Sở GD-ĐT cho hay đã huy động gần 220 giáo viên chấm thi tất cả các môn. Sở dự kiến ngày 10.7, công tác chấm thi của tỉnh sẽ hoàn tất.
Phổ điểm thấp nhưng tỷ lệ tốt nghiệp không thay đổi ?
Nhận định sau 3 ngày chấm thi, đại diện Sở GĐ-ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết kết quả ở cụm địa phương thấp hơn hẳn so với khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT riêng lẻ. Chưa thấy có điểm 9, 10, điểm 8 vô cùng hiếm và nhiều điểm liệt, điểm kém hơn so với mọi năm.
Vị này phân tích: “Năm nay những học sinh chọn thi ở cụm thi địa phương là những em đã rất cân nhắc và biết sức học của mình ở đâu. Hầu hết các em thi ở cụm thi địa phương là sức học từ trung bình trở xuống, không còn chút hy vọng nào đỗ ĐH. Các em cũng chỉ cố gắng hết sức để làm bài thi đạt mức có thể tốt nghiệp được”.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hòa Bình, cho biết: “Chấm thi sau 3 ngày ở cụm thi địa phương, chưa thấy có điểm tuyệt đối nào”. Theo ông Vinh, điều này hoàn toàn dễ hiểu vì đề thi với hai mục đích, TS chọn thi chỉ với mục đích tốt nghiệp sẽ rất khó đạt điểm giỏi được.
Tuy nhiên, đánh giá chung của các sở GD-ĐT là dù phổ điểm ở các cụm thi do địa phương chủ trì năm nay sẽ thấp hơn hẳn so với phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, nhưng không vì thế mà tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn. Nguyên nhân là do cách tính điểm tốt nghiệp THPT ngoài xét kết quả 4 môn thi thì 50% số điểm còn lại là kết quả học lực của lớp 12, cộng thêm các điểm ưu tiên… Ông Nguyễn Quang Vinh nêu ví dụ: “Do đặc thù tỉnh miền núi, chủ yếu là học sinh dân tộc, được cộng điểm ưu tiên nên học sinh của Hòa Bình năm trước chỉ đạt khoảng 4 điểm/môn là đã đạt yêu cầu tốt nghiệp”.
Khuyến khích sự sáng tạo của thí sinh
Sáng 10.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga và đoàn công tác của Bộ đã về làm việc với cụm thi liên tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi tại Trường ĐH Quy Nhơn. Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, đã chấm được khoảng 1/4 lượng bài thi. Theo dự kiến, đến khoảng ngày 15 - 16.7 sẽ hoàn tất chấm thi. Đến nay vẫn chưa có bài thi đạt điểm tuyệt đối.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lưu ý: “Công tác chấm thi nên khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong môn văn, Anh văn ở phần đề mở mà thí sinh viết. Cái chúng ta cần là đánh giá năng lực, phẩm chất của thí sinh chứ không nên rập khuôn, cứng nhắc”.
Tâm Ngọc
Tình hình chấm thi các địa phương
Quảng Ngãi: Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết sau ngày chấm thi đầu tiên tại cụm thi tỉnh Quảng Ngãi, thống kê sơ bộ cho thấy điểm môn toán cao nhất là 6. Điểm thấp nhất của môn toán là 1,75. Chưa có bài thi nào của môn này bị điểm liệt. Môn văn, phổ điểm chủ yếu 3, 4. Các môn khác điểm dưới trung bình rất nhiều.
Tây Ninh: Đến ngày 10.7, sở này đã chấm được khoảng 40% bài dự thi. Đáng chú ý, đến thời điểm này theo thống kê số bài thi đã chấm, có tới trên 94% bài thi môn toán có điểm dưới 5 (môn toán có 2.163 thí sinh dự thi). TS có điểm cao nhất bài thi môn toán là 7, môn văn chỉ có 1 điểm 8, môn địa lý cao nhất 7, môn lịch sử có 2 điểm 8. Phổ điểm chủ yếu ở mức 4 - 5. Bài thi bị điểm liệt (điểm từ 1 trở xuống) tập trung nhiều ở môn toán.
Trà Vinh: Một đại diện của Sở GD-ĐT Trà Vinh nhận định dù chưa thống kê nhưng đúng như dự đoán trước, các bài thi của thí sinh chủ yếu đạt điểm ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Tuy nhiên, đại diện này lo ngại, khả năng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn năm trước (năm 2014 tỉnh này có tới 99,7% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT).
Hà Ánh - Mỹ Quyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.