Cần định hướng cái đẹp cho giới trẻ

29/10/2010 23:32 GMT+7

Hôm qua 29.10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức hai cuộc tọa đàm góp ý các Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Các ý kiến đóng góp tâm huyết của đông đảo các đối tượng thanh niên như: lực lượng vũ trang, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao và phóng viên...  

Anh Tống Hoàng Kiên (Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động) cho rằng, phải xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, đảm bảo cho các lực lượng vũ trang ngày càng hiện đại. Anh Kiên nói thêm: "Muốn bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả, không chỉ xây dựng lực lượng vũ trang hùng hậu, mà còn phải có quan hệ với cộng đồng quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ xa, phòng thủ từ bên ngoài. Phát triển kinh tế không chỉ có nội lực mà cũng cần có các đòn bẩy, các lực lượng tác động từ bên ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại”.

 

Các văn nghệ sĩ trẻ đóng góp ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh: T.H

Tại buổi tọa đàm của giới văn nghệ sĩ, vận động viên, phóng viên trẻ, nhiều ý kiến mong muốn Đảng cần có sự quan tâm hoàn thiện các thể chế chính sách đầu tư cho văn hóa - nghệ thuật và thể thao. Lấy dẫn chứng, một nghệ sĩ mới ra trường, về công tác tại một nhà hát hay một đoàn kịch chỉ được hưởng mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, Thụy Vân (Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam) trăn trở: “Trong thời buổi đồng tiền mất giá, để có “miếng cơm, manh áo”, người nghệ sĩ phải làm thêm, chạy sô... Chế độ ưu đãi thấp đã hạn chế sự sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ”.

Đối với công tác thể dục thể thao, theo Bí thư Đoàn ĐH Thể dục - Thể thao Hà Nội Phạm Quốc Toản, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách và cơ chế quan tâm, trong đó chú trọng và đầu tư nhiều cho thể thao mũi nhọn, còn thể thao quần chúng mặc dù đã được quan tâm nhưng hiệu quả mới chỉ đạt mức độ nhất định. Anh Phạm Quốc Toản đề nghị bổ sung vào mục 8, phần IV về Định hướng phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế: “Cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho thể thao phong trào. Có chính sách và cơ chế đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ đãi ngộ và mở rộng các loại hình CLB sở thích cho phong trào thể thao quần chúng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Bên cạnh đòi hỏi Nhà nước có sự quan tâm ưu đãi, các đại biểu cũng nêu lên sự cần thiết phải giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ, đặc biệt là trong giới trẻ. TS Bùi Hoàng Sơn cho hay: “Trong giai đoạn hiện nay, văn nghệ sĩ đang trở thành những mẫu người mà xã hội quan tâm chú ý. Những ứng xử, hành động của văn nghệ sĩ ảnh hưởng rất lớn đến cách thức ứng xử, phong cách sống xã hội, đặc biệt là đối với bộ phận thanh thiếu niên”. Ca sĩ Minh Quân (Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: “Ngoài việc phản ánh, phê phán hình ảnh không đẹp của các nghệ sĩ trẻ, chúng tôi đề nghị báo chí góp phần đẩy lùi những hình ảnh xấu, phản cảm. Các bạn thanh niên rất cần có sự định hướng, tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước, Đoàn thanh niên có sự quan tâm định hướng các bạn trẻ cái hay, cái đẹp”.

 Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.