Các nguyên tắc để trúng tuyển nguyện vọng 1

23/04/2015 07:22 GMT+7

Rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia tư vấn về việc chọn môn thi như thế nào để trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1 được đưa ra trong buổi truyền hình trực tuyến tối 22.4 do Báo Thanh Niên tổ chức.

Rất nhiều lời khuyên của các chuyên gia tư vấn về việc chọn môn thi như thế nào để trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1 được đưa ra trong buổi truyền hình trực tuyến tối 22.4 do Báo Thanh Niên tổ chức.

Đại diện các trường tham gia chương trình tư vấn tối qua giải đáp rất nhiều thắc mắc của học sinh

Đại diện các trường tham gia chương trình tư vấn tối qua giải đáp rất nhiều thắc mắc của học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chọn ngành rồi chọn trường

Một học sinh (HS) ở TP.Vũng Tàu lo lắng: “Xin thầy cô hướng dẫn cách chọn môn thi để trúng tuyển ngay từ nguyện vọng (NV) 1”. Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, lưu ý: “Điểm khác biệt vô cùng quan trọng của tuyển sinh năm nay là thí sinh chỉ có một NV1. Do đó, các em cần xác định ngay từ đầu ngành học mình thích, sau đó chọn trường vừa sức”.

Về cách chọn môn thi, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp đưa ra lời khuyên, thí sinh cần tìm hiểu các tổ hợp môn của ngành mình yêu thích, sau đó lựa chọn môn thi để có thể vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào ngành học đó. “Các em không nên đăng ký thi nhiều môn quá vì sẽ dàn trải. Bên cạnh 3 môn bắt buộc, nên tập trung vào những môn học sở trường và dành thời gian ôn thi”.

Một học sinh ở An Giang băn khoăn làm thế nào để tận dụng được hết 16 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ: “Theo quy định, năm nay các em có 4 giấy chứng nhận kết quả thi và có tới 16 NV. Tuy nhiên, các em cần lưu ý, giấy để xét NV1 chỉ có giá trị trong 20 ngày, từ ngày 1 - 20.8 và được đăng ký tối đa 4 ngành. Nếu thí sinh yêu thích một trường ĐH nào đó thì có thể đăng ký cả 4 ngành để có cơ hội trúng tuyển vào trường mình thích. Nhưng nếu thí sinh yêu thích một ngành học nào đó, thì chỉ nên đăng ký tối đa 2 ngành có liên quan đến nhau. Trong 20 ngày này, thí sinh cần theo dõi sát sao để xem khả năng trúng tuyển của mình đến đâu”.

Về NV bổ sung, thạc sĩ Hiển cho biết khi thí sinh không trúng tuyển NV1, sẽ tiếp tục đăng ký vào 3 trường khác nhau và mỗi giấy cũng được lựa chọn 4 ngành, nhưng không được rút hồ sơ như NV1. “Các em không nhất thiết phải đăng ký hết 16 ngành. Cơ hội trúng tuyển sẽ càng hẹp ở những NV sau, vì hầu như các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở NV1”.

Về việc rút hồ sơ, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp đưa ra bí quyết: “Trong 5, 10 ngày đầu thì hồ sơ chưa ổn định. Quan trọng nhất là 10 ngày sau, thí sinh phải theo dõi liên tục từng ngày để dự đoán khả năng trúng tuyển của mình”.

Nên chọn môn thi là môn sở trường

Trả lời câu hỏi của một phụ huynh: “Cần lưu ý gì khi làm hồ sơ để tránh sai sót? Con tôi thi các môn toán, lý, hóa thì có thể xét khối A1 không?”, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Hồ sơ năm nay thí sinh cần lưu ý đặc biệt tới việc đăng ký môn thi. Ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ thì 5 môn còn lại cần cân nhắc lựa chọn để phù hợp với tổ hợp môn mà thí sinh định đăng ký”.

Một HS ở An Giang thắc mắc: “Thí sinh tự do có phải thi lại 3 môn bắt buộc toán, văn, tiếng Anh hay không? Nếu môn toán năm ngoái của em có kết quả kém thì năm nay em thi lại để lấy điểm cao hơn được không?”. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trả lời: “Thí sinh tự do nếu đã tốt nghiệp THPT thì không phải thi lại các môn xét tốt nghiệp, mà chỉ cần lựa chọn những môn để xét tuyển vào các trường theo các tổ hợp môn mà ngành học yêu cầu”. Tiến sĩ Hải nhấn mạnh, kết quả thi tốt nghiệp năm trước không được sử dụng để xét vào ĐH, CĐ.

Một số HS quan tâm tới những ngành học mới trong năm 2015 của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đồng thời muốn biết học khá toán, hóa, sinh thì nên học ngành nào? Thạc sĩ Trần Hải Nguyên, Phó phòng Chính trị học sinh - sinh viên Trường ĐH Hồng Bàng, cho biết: “Năm nay trường có 2 ngành mới là dược học và phục hồi chức năng. Nếu học khá các môn toán, hóa, sinh thì em có thể chọn các ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học xét nghiệm, dược hoặc phục hồi chức năng”. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, đưa ra lời khuyên với thí sinh học giỏi môn toán và tiếng Anh muốn trúng tuyển NV1 vào trường nên chọn các môn thuộc tổ hợp có môn tiếng Anh, ví dụ các tổ hợp toán, văn, tiếng Anh; toán, lý, tiếng Anh...

Một HS tại Bình Phước có bằng tốt nghiệp THCS muốn đăng ký học tại Trường CĐ Đại Việt. Ông Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh CĐ Đại Việt, thông tin: “Nếu em mới tốt nghiệp THCS thì có thể đăng ký học bậc trung cấp trong trường. Chương trình học gồm 3 năm, trong đó 1 năm học văn hóa và 2 năm chuyên ngành”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.