Buộc thôi học vì xúc phạm giáo viên trên facebook: Ghi học bạ là 'hơi nặng'

02/11/2015 16:45 GMT+7

(TNO) Sau khi Thanh Niên Online đăng bài Buộc thôi học 10 ngày một học sinh xúc phạm giáo viên trên facebook , chúng tôi đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc.

(TNO) Sau khi Thanh Niên Online đăng bài Buộc thôi học 10 ngày một học sinh xúc phạm giáo viên trên facebook, chúng tôi đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc.

Trường THPT Lê Lợi đã đưa vào nội quy của trường những quy định về việc sử dụng facebook cá nhânTrường THPT Lê Lợi đã đưa vào nội quy của trường những quy định về việc sử dụng facebook cá nhân
Ông Hồ Hoàng Minh, nguyên Phó phòng Giáo dục quận Tân Bình (TP.HCM): Phải xử lý nhưng hình thức cần nhân văn
Hành vi xúc phạm giáo viên đương nhiên là phải xử lý vì nó ảnh hưởng đến danh dự của người dạy và môi trường giáo dục. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật nên thể hiện tính nhân văn, có tác dụng giáo dục để học sinh nhận thức sửa đổi hành vi.
Sau khi phát hiện Nguyễn Q. - học sinh lớp 12A6 lên facebook xúc phạm cô giáo chủ nhiệm với những lời lẽ thiếu văn hóa, ngày 12.10, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Lợi (Q.Hà Đông, Hà Nội) đã yêu cầu học sinh này viết bản tường trình.
Tại bản tường trình, học sinh thừa nhận hành vi xúc phạm giáo viên trên trang cá nhân và viết bản kiểm điểm xin lỗi giáo viên và nhà trường.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online ngày 1.11, một cán bộ của Trường THPT Lê Lợi cho biết: Căn cứ vào Nội quy học sinh năm học 2015 - 2016 của Trường THPT Lê Lợi, Ban giám hiệu nhà trường đã ra Quyết định kỷ luật buộc thôi học 10 ngày đối với học sinh trên, hạ hạnh kiểm và ghi vào học bạ hành vi này.
Theo hình thức kỷ luật của Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) đưa ra như vậy, tôi cho rằng hơi nặng. Việc ghi vào học bạ sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình học tập của học sinh, đặc biệt với lớp 12, nhà trường càng phải thận trọng.
Ngoài ra, một vấn đề đặt ra ở đây là việc xử lý có thực hiện đúng quy trình hay không? Tức là trước khi ban hành quyết định kỷ luật, nhà trường có họp Hội đồng kỷ luật với sự tham gia của các thành viên như Ban giám hiệu, Ban Đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp, phụ huynh học sinh…
Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM): Cách ly với trường chưa chắc đã tạo hiệu ứng tốt
Xúc phạm thầy cô là hành vi cần phải xử lý, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, không có văn bản nào quy định hình thức buộc thôi học 10 ngày như quyết định của Trường THPT Lê Lợi. Đồng thời, khi đưa ra hình thức kỷ luật không thể chỉ có ban giám hiệu mà nhà trường phải tổ chức họp Hội đồng kỷ luật với các thành phần tham dự đúng nguyên tắc, có bỏ phiếu.
Ở khía cạnh khác, hình thức kỷ luật được đưa ra vào lúc này nhưng việc ghi vào học bạ diễn ra vào cuối năm vì vậy, hy vọng từ nay đến thời điểm đó, nhà trường tạo cơ hội để học sinh sửa chữa.
Dù buộc thôi học nhưng nhà trường cũng nên linh động có hình thức giáo dục đi kèm để tránh sự bất ổn tâm lý cho học sinh cũng như để các em có cơ hội nhận thức việc làm sai trái của mình. Chẳng hạn, không cho vào lớp học nhưng cho đến trường đọc sách, trò chuyện với giáo viên tâm lý… chứ thật ra để học sinh ở nhà, cách ly với trường chưa chắc đã tạo hiệu ứng tốt.
N.C.T, học sinh lớp 11 Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP.HCM): Nên để “treo” quyết định ghi vào học bạ để giúp học sinh sửa chữa
Hành động của học sinh là sai và nhà trường cần có biện pháp giáo dục để bạn có ý thức sửa đổi. Tuy nhiên em thấy mức độ kỷ luật như vậy là “hơi nặng” vì học bạ lớp 12 đối với chúng em vô cùng quan trọng do xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH đều sử dụng đến. Vì vậy em nghĩ rằng nhà trường nên để “treo” quyết định ghi vào học bạ để thử thách, giúp bạn học sinh vi phạm cố gắng sửa chữa lỗi từ giờ đến cuối năm.
Ông Huỳnh Thanh Hoàng (quận 5, TP.HCM): Nên tạo điều kiện cho học sinh sửa sai
Trước hết, tôi muốn hỏi rằng hình thức kỷ luật của trường như vậy có đúng quy định của Bộ GD-ĐT hay không? Tuy nhiên tôi nghĩ rằng trong môi trường học đường nên có biện pháp giáo dục hơn là sử dụng hình thức kỷ luật. Chẳng hạn học trò và giáo viên nên cùng trò chuyện để cùng gỡ những khúc mắc. Đồng thời trong câu chuyện này, học sinh đã nhận ra lỗi và đã xin lỗi cô giáo của mình thì trường cũng nên tạo điều kiện cho em sửa sai, không nên ban hành quyết định kỷ luật như vậy.
Điều 41. Các hành vi học sinh không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
3. Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.
4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.
Điều 42. Khen thưởng và kỷ luật
1. Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:
a) Khen trước lớp, trước trường;
b) Khen thưởng cho học sinh tiên tiến, học sinh giỏi;
c) Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
d) Các hình thức khen thưởng khác.
2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
a) Phê bình trước lớp, trước trường;
b) Khiển trách và thông báo với gia đình;
c) Cảnh cáo ghi học bạ;
d) Buộc thôi học có thời hạn.
Trích Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.