Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học: Tư duy tự do và nỗi lo 'cơm áo'

25/02/2015 03:00 GMT+7

Giảng viên (GV) bắt buộc phải nghiên cứu khoa học nhưng để toàn tâm toàn ý với điều này, trước tiên họ phải có thu nhập đủ sống từ việc giảng dạy chính thức mà không cần phải chạy sô hoặc làm thêm những việc không liên quan đến chuyên môn. Thực tế đã chứng minh nếu GV nhận thu nhập cao, họ sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học hơn.

Giảng viên (GV) bắt buộc phải nghiên cứu khoa học nhưng để toàn tâm toàn ý với điều này, trước tiên họ phải có thu nhập đủ sống từ việc giảng dạy chính thức mà không cần phải chạy sô hoặc làm thêm những việc không liên quan đến chuyên môn. Thực tế đã chứng minh nếu GV nhận thu nhập cao, họ sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học hơn.

Bỏ chạy sô để nghiên cứu khoa học: Tư duy tự do và nỗi lo 'cơm áo'Giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khác với mặt bằng chung của các trường công lập, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM có mức lương cứng từ 1.000 - 3.000 USD/tháng (từ hơn 21 đến hơn 60 triệu đồng) cho GV đạt học vị tiến sĩ. Mức lương trên theo ngạch bậc nhà nước cộng với khoản tăng thêm từ nguồn của trường.
Có bằng tiến sĩ của một trường ĐH nước ngoài, ngoài lương, tiến sĩ K. (Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế) còn có thu nhập thêm trên dưới 20 triệu đồng/tháng từ thù lao thực hiện các đề án nghiên cứu trong và ngoài nước. Ngoài chỉ tiêu mỗi năm một bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế theo quy định, nếu có thêm bài báo, GV trường này còn được thưởng thêm 1.500 USD/bài. Tiền dạy vượt giờ cũng ở mức rất cao, 25 USD/giờ với giáo viên người Việt và 50 USD/giờ với nước ngoài.
Dù vậy GV của trường này đứng lớp không nhiều. Như tiến sĩ K., mỗi năm chỉ đảm bảo 225 tiết dạy chuẩn theo quy định. Nhờ đó nên tiến sĩ K. mỗi năm có khoảng 4 - 5 bài báo khoa học quốc tế được công bố vì sau giờ lên lớp, thời gian còn lại dành hết cho nghiên cứu.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế cho biết xuất phát từ nguyên lý nếu thu nhập thấp, GV sẽ chạy sô nhiều không đảm bảo được nhiệm vụ giảng dạy tại trường. Ông Phong nói rằng theo quy định, nếu trường công lập nhận kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (trong đó có lương) thì chỉ được phép trả lương tối đa gấp 3 lần lương ngạch bậc nhà nước. Vì vậy, từ năm 2008 trường này xin được hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, không nhận chi thường xuyên nên chủ động quyết định mức lương GV. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận trả lương cao cho GV là một phần quan trọng nhờ học phí cao.
Theo ông Phong, GV của trường ĐH phải hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ: giảng dạy (45% thời gian), nghiên cứu khoa học (35%) và phục vụ (20%). Riêng về nghiên cứu khoa học, Trường ĐH Quốc tế quy định GV trình độ tiến sĩ phải có tối thiểu 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế mỗi năm.
Trong cuộc đối thoại về giáo dục ĐH VN được tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM) tháng 8.2014, GS Ngô Bảo Châu cho rằng chế độ thu nhập cứng nhắc hiện tại là một trong những ràng buộc lớn nhất cho mọi chính sách nhân sự ĐH và có lẽ là yếu tố chủ đạo làm các vị trí hàn lâm thiếu tính hấp dẫn các cá nhân xuất sắc. GS Châu nhấn mạnh: “Với thang lương hiện tại, mức lương cơ bản của GV ĐH không đảm bảo cho họ một mức sống cao trong xã hội. Trong mọi hệ thống xã hội, mức sống cao cho cán bộ GV nghiên cứu luôn là điều kiện cần cho một hệ thống giáo dục tốt vì nó thể hiện mức độ ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH, quan trọng hơn để nghiên cứu tốt thì GV tuyệt đối cần thời gian tư duy tự do, không bị ràng buộc bởi cơm gạo”.
Vì vậy, theo GS Châu, việc cải cách chế độ thu nhập cho cán bộ nghiên cứu giảng dạy ở ĐH là một việc hệ trọng. Việc tìm ra một lộ trình để cho thu nhập bổ sung được gộp vào thu nhập chính của GV là bài toán rất khó, nhưng nó cần có lời giải. GS Châu đề xuất bên cạnh thu nhập thông thường theo thang lương công chức, cán bộ khoa học giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt với nguồn từ trong và ngoài ngân sách, do các trường ĐH chủ động quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.