Bát nháo chương trình liên kết - Bài 2: Không ai bảo vệ quyền lợi học viên

10/11/2010 02:50 GMT+7

Khi tham gia các chương trình liên kết đào tạo trái phép, học viên là người nhận mọi hậu quả và cho đến nay chưa có một quy định nào đảm bảo quyền lợi cho họ.

Chủ yếu để kinh doanh

Vừa qua, cơ quan truyền thông đã phát hiện hàng chục trường ĐH của nước ngoài kém chất lượng liên kết đào tạo với các trường đối tác của VN nhằm mục đích kinh doanh.

Điển hình là khoa Quản trị kinh doanh (QTKD) của ĐH Quốc gia Hà Nội đã liên kết với  trường ĐH Irvine (Mỹ) đào tạo hàng trăm thạc sĩ tại VN. Học phí mỗi khóa học này khoảng 15.000 USD. Trong khi đó, trường ĐH Irvine chỉ là một xưởng cấp bằng và không được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức được công nhận của Mỹ, giá của mỗi tấm bằng này ở Mỹ chỉ 6.000 USD.

Một chương trình khác cũng chạy theo lợi nhuận là chương trình liên kết giữa Công ty CP Sara VN với trường ĐH Frederick Taylor (FTU) - Mỹ. Đây cũng là một trong những trường ĐH không được kiểm định chất lượng ở Mỹ. Thế nhưng, chương trình liên kết này đã thu hút hàng trăm học viên, trong đó có không ít cán bộ các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp. Nhiều người đã bỏ ra 3.500 USD để lấy tấm bằng MBA không có giá trị.

Năm 2009, Bộ GD-ĐT đã xử lý  trường hợp liên kết đào tạo trái phép của  Công ty CP Skills Group VN (thuộc Tập đoàn CP Skills Group, Đan Mạch). Công ty này tự ý tuyển sinh và tổ chức lớp học đào tạo thạc sĩ QTKD (MBA) từ đầu tháng 7.2009 cho hơn 20 học viên với mức học phí từ 4.500 - 6.000 USD.

Mới đây lại xảy ra vụ lùm xùm trong chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ do Viện Khoa học kinh tế xây dựng (ICES) phối hợp với South Pacific University (SPU) và International American University (IAU) tổ chức tại VN. Cả hai trường này đều thuộc danh sách những trường ở Mỹ mà bằng cấp không có giá trị.

Quyền lợi củahọc viên bị bỏ ngỏ

30 học viên theo chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ nước ngoài tại ICES đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vì nếu học tiếp thì bằng cấp không sử dụng được, mà ngừng thì mất tiền.  Sau khi biết đây là các trường ĐH dỏm, học viên của ICES đã đồng loạt phản ứng không học tiếp khóa đào tạo thạc sĩ Khoa học quản trị dự án do SPU cấp bằng.

Nếu các trường của VN liên kết với trường ĐH nước ngoài dỏm để chiêu sinh thì phải bồi thường cho học viên. Có như thế mới bảo đảm được quyền lợi của học viên - Ông NGUYỄN XUN VANG, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT)

Học viên Trần Ngọc M. nói: “Khi tham gia lớp học này, chúng tôi không biết các trường này lôm côm như thế. Khi báo chí thông tin chúng tôi đã quyết định ngừng việc học và đề nghị ICES có hướng giải quyết bởi nếu học tiếp thì bằng cấp cũng không sử dụng được. Sau đó, ICES đề nghị đổi chúng tôi sang học theo chương trình của IAU với phí chuyển đổi là 1.500 USD (đây cũng là một trường ĐH không được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định được công nhận của Mỹ - PV). Chúng tôi đã đồng loạt không đồng ý vì  IAU cũng chẳng khác gì SPU”.

Ngày 30.10, ICES đã mời các học viên này đến trường thương lượng tiếp. Tại buổi gặp, nhân viên giáo vụ của viện có đưa ra đề cương của IAU cho học viên làm luận văn tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận xét của mọi người thì đề cương này thiên về QTKD chứ không phải Quản trị dự án. Một học viên bức xúc nói: “Tôi làm quản lý dự án cho một doanh nghiệp tư nhân vì vậy cái tôi cần là kiến thức về quản trị dự án chứ không phải bằng QTKD. Mà tấm bằng này giờ đây cũng chẳng sử dụng được”.

Cũng tại cuộc họp, các học viên đã đề nghị ICES chứng minh hồ sơ pháp lý của IAU, cũng như chứng minh sự liên kết công nhận môn học và điểm của nhau giữa SPU và IAU để học viên có thể chuyển đổi từ SPU sang IAU (nếu học tiếp). Đồng thời, các học viên cũng đã đề nghị ICES giải quyết dứt điểm việc các học viên thôi không theo học ở trường IAU có được hoàn trả lại học phí hay không. Tuy nhiên, cuộc họp này lại không có lãnh đạo của viện dự nên không có kết quả.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về việc quyền lợi của những học viên theo học các chương trình đào tạo trái phép, ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Giải pháp tình thế là nếu các chương trình này chưa có phép thì phải dừng tuyển sinh, làm hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định và chịu phạt hành chính để đảm bảo quyền lợi của học viên. Căn cứ hồ sơ cụ thể, thẩm định chương trình, đánh giá đối tác nước ngoài và các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ đưa ra giải pháp. Học viên là nạn nhân và chúng ta phải bảo vệ họ”.

Tuy nhiên đến nay, hàng loạt chương trình liên kết đào tạo trái phép đã được phát hiện nhưng chưa có học viên nào được bồi thường về quyền lợi kinh tế.

Vũ Thơ - Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.