Bất hợp lý trong xét chức danh giáo sư

26/06/2010 03:40 GMT+7

Theo quy định mới, người được công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ (Thanh Niên đã thông tin ngày 24.6). Tuy nhiên, quy định này còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Thanh Niên đã trao đổi với GS Bành Tiến Long - Phó chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) nhà nước, xung quanh vấn đề này.

* Người đã đạt chứng chỉ quốc tế như IELTS hoặc TOEFL có được công nhận là sử dụng thành thạo một ngoại ngữ không, thưa ông?

 

GS Bành Tiến Long

- Không có nước nào đưa chứng chỉ IELTS và TOEFL vào làm điều kiện để đánh giá công nhận GS, PGS. Chứng chỉ đó chỉ là điều kiện để đi học thôi.

* Có nghĩa là những người có chứng chỉ ngoại ngữ đạt các tiêu chuẩn mà quốc tế công nhận vẫn phải kiểm tra trình độ ngoại ngữ?

- Đúng vậy! Tất cả những ứng viên GS, PGS không được xem là thành thạo ngoại ngữ phải được HĐCDGS cơ sở và HĐCDGS ngành đánh giá. Khi hội đồng đánh giá sẽ kiểm tra khả năng sử dụng ngoại ngữ của các ứng viên với các mức độ khác nhau. Theo tôi, với những người có các chứng chỉ IELTS và TOEFL thì chắc hội đồng sẽ công nhận thôi.

* Theo ông, có bất hợp lý không khi những người có bằng cử nhân ngoại ngữ (có khi chỉ là bằng đại học tại chức) thì được công nhận là sử dụng thành thạo ngoại ngữ, còn những người có các chứng chỉ quốc tế lại không?

- Theo tôi bằng ngoại ngữ là một bằng cấp, còn IELTS và TOEFL chỉ là một chứng chỉ. Bằng cử nhân là một quá trình đào tạo 4-5 năm, còn chứng chỉ thì chỉ được đào tạo trong một thời gian nhất định.

Còn quá mơ hồ

Quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ của ứng viên GS, PGS rất đúng về mục đích nhưng lại có nhiều chỗ mơ hồ, chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lý về cách đánh giá và công nhận năng lực.

- Không hợp lý khi miễn cho người đã viết luận án tiến sĩ ở nước ngoài trong thời hạn không quá 5 năm. Trên nguyên tắc, viết được luận án tiến sĩ bằng tiếng nước ngoài thì trình độ ngoại ngữ phải gần tương đương với người bản ngữ rồi. Nếu lâu không sử dụng thì có thể phản xạ chậm lại, nhưng khi cần và có môi trường thì năng lực ngoại ngữ sẽ phục hồi lại.

- Quy định miễn cho người có bằng đại học ngoại ngữ và “thường xuyên sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn” lại quá mơ hồ. Có bằng đại học ngoại ngữ nhưng học trong nước và không có môi trường sử dụng thì vẫn có thể không sử dụng thành thạo được. Làm thế nào đánh giá được sự “thường xuyên sử dụng”?

- Quy định miễn cho ứng viên đang dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ cũng mơ hồ vì thế nào là “dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ”? Cung cấp cho học trò đọc tài liệu bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có sử dụng một ít ngoại ngữ, nhưng vẫn sử dụng tiếng Việt thường xuyên trong lớp, có được xem là dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ không? Ai kiểm tra, hay chỉ xét trên giấy?

- Không miễn cho những người có bằng IELTS hoặc TOEFL (phải sử dụng bằng chính thức, không sử dụng các kỳ thi thử hoặc thi nội bộ) là bất hợp lý. Thật ra sử dụng các kỳ thi này là cách tốt nhất để Bộ kiểm soát năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Do tính cách độc lập của các tổ chức khảo thí này, Bộ sẽ không sợ có sự thiên vị, tiêu cực, chứng chỉ giả...

- Yêu cầu trình bày trước hội đồng nếu không được miễn là chưa hoàn chỉnh và chưa hợp lý vì hội đồng không phải là những người chuyên đánh giá năng lực ngoại ngữ nên có thể có những đánh giá không chính xác, chênh lệch dẫn đến đánh giá không đồng đều và không công bằng. Thậm chí, đây có thể là một kẽ hở dẫn đến tiêu cực.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM

Thiên Long (ghi)

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.