Bao giờ mới hết “chạy trường”? - Bài 2: Mệt mỏi nhưng vẫn phải “chạy”!

21/04/2009 08:58 GMT+7

Còn gần ba tháng nữa các trường ở Đà Nẵng mới bắt đầu thu nhận hồ sơ vào lớp 1. Ba trường Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng, Phan Thanh của Q.Hải Châu nằm ở trung tâm thành phố nên luôn là điểm nóng trong mục tiêu “chạy trường” của phụ huynh.

Những trường này có sức hấp dẫn ngoài việc ở trung tâm, là trường bán trú, người ta còn tự coi rằng lo được cho con vào các trường này cũng là một cách chứng tỏ... đẳng cấp (!). Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Cần Thơ.

Vì “chạy” nên nhồi nhét trẻ

Vì nhiều phụ huynh “chạy” nên lượng học sinh trái tuyến ở lớp 1 các trường này luôn quá tải. Năm học 2008-2009, Trường Phù Đổng tuyển tám lớp 1 nhưng vọt lên đến 12 lớp, trong khi đầu ra chỉ được năm lớp 5; Trường Hoàng Văn Thụ và Phan Thanh tuyển tám lớp, mỗi lớp theo quy định 35 học sinh nhưng tăng lên đến 50 học sinh. Những ngày này phần lớn phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1 bắt đầu cuộc marathon để đưa được con em vào các trường điểm.Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-4, ông Nguyễn Đăng Ngưng - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu - cho biết hiện phương án tuyển sinh lớp 1 đang được soạn thảo nhưng rất nhiều người, nhiều cấp “quan tâm”!

Gia đình anh H., chị L. trú Q.Cẩm Lệ nhưng suốt tháng nay hai vợ chồng ngược xuôi tất tả để lo cho cậu con trai vào học lớp 1 Trường Phan Thanh. Anh H. được một người “đi trước” mách bảo nếu học trái tuyến một trong ba trường trên thì có tiền cũng khó khăn, chỉ còn hai cách: một là chuyển hộ khẩu về cùng địa bàn với trường học, hai là “thư tay” của một lãnh đạo... có cỡ. Tình hình cũng tương tự với những phụ huynh muốn lo cho con vào các trường Hoàng Văn Thụ, Phù Đổng.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng nhìn nhận tâm lý của phụ huynh có con vào lớp 1 luôn chăm bẵm vào các trường này. Trong khi đó, chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất các trường tiểu học trên địa bàn là ngang nhau. Tình trạng này đã khiến một số trường khác rơi vào tình cảnh “khát” học sinh. Theo ông Ngưng, phòng đã từng đề xuất việc nhập hộ khẩu vào địa bàn các trường trên phải từ hai năm trở lên. “Cứ đến mỗi mùa tuyển sinh chúng tôi rất mệt mỏi. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng việc khắc phục sự bất hợp lý này quá khó” - ông Ngưng bày tỏ.

Chạy vòng chạy vèo

Trong khi đó tại Cần Thơ, một cán bộ phòng hộ tịch Q.Ninh Kiều cho biết những tháng này tỉ lệ nhập hộ khẩu về quận tăng đột biến so với ngày thường. Hầu hết những hộ mới về đều xin nhập hộ khẩu vào phường An Cư, Tân An, nơi có hai trường tiểu học bề thế nhất thành phố hiện nay.

Vợ chồng anh T. (Q.Cái Răng) mới xin nhập khẩu về P.Tân An vài tháng nay vào nhà một người quen. Mục đích chính là chuẩn bị cho cậu con trai vào lớp 1. Những phụ huynh có điều kiện hơn đã mua nhà trên địa bàn để bảo đảm chắc một suất học trong trường. Một cán bộ ngành công an thừa nhận: “Không thể ngăn chặn tình trạng chạy hộ khẩu để “chạy trường”. Bởi theo Luật cư trú mới, chỉ cần người dân có chỗ ở hợp pháp hoặc được người khác bảo lãnh (không cần quan hệ ruột thịt) cũng được nhập hộ khẩu”.

Chị C. (bác sĩ Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ) cho biết vì vợ chồng suốt ngày đi làm nên muốn con mình được học bán trú trong ngôi trường có tiếng của thành phố để yên tâm. Vì trái tuyến, lại chưa có điều kiện mua nhà cùng phường trong tuyến tuyển sinh của trường nên chị phải đi đường vòng. Ngay từ khi con học lớp lá, chị đã cho học thêm chữ để thi vào lớp tăng cường tiếng Pháp (các lớp tăng cường tiếng Anh chỉ nhận học sinh trong tuyến). “Hơi bất tiện một chút vì mình thích cho con học tăng cường tiếng Anh hơn nhưng cũng không còn đường nào khác. Sau một hai năm sẽ xin chuyển cháu qua lớp tăng cường tiếng Anh” - chị C. cho biết.

“Chạy trường” ai cũng mệt mỏi, từ phụ huynh cho đến những người làm công tác giáo dục, người làm công tác quản lý địa bàn và ngay cả chính các em học sinh khi phải bị nhồi nhét trong những trường có chất lượng kha khá. Nhưng xem ra vì những lý do rất... người lớn, “chạy trường” vẫn là chuyện chưa có hồi kết.

Ông Nguyễn Quang Vinh (phó Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM): Chỉ hết “chạy” khi chất lượng giáo dục đồng đều

“Chạy” để lo cho con em mình được học tại một trường có chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, bởi ai cũng muốn đầu tư cho con cái được học hành trong môi trường tốt nhất.

Để dẹp bỏ tình trạng “chạy trường“, tôi nghĩ các địa phương cần xây dựng thêm nhiều trường mới, cải tạo các trường cũ để khang trang, tiện nghi hơn, mua sắm thêm đồ dùng, trang thiết bị dạy học...

Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng để các thầy cô giáo phát huy hết khả năng của mình, thúc đẩy chất lượng giáo dục phát triển. Ở những trường lớp cũ kỹ, xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị giảng dạy, chắc chắn hoạt động của giáo viên sẽ bị hạn chế. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, trình độ của đội ngũ giáo viên tiểu học đã tương đối đồng đều, trong đó nhiều người đã có bằng đại học, sau đại học; vấn đề còn lại là cơ sở vật chất mà thôi.

Khi chất lượng giáo dục của các trường đạt mức xấp xỉ nhau, tức không quá cách xa nhau thì phụ huynh không phải “chạy trường” nữa.

Theo Việt Hùng - Minh Giảng/ Tuổi Trẻ

>> Bài 1: Nháo nhào “chạy trường”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.