Bằng cấp của Viện Công nghệ châu Á sẽ không được công nhận ?

23/10/2012 03:10 GMT+7

Học viên quốc tế trong đó có Việt Nam đang hoang mang trước nguy cơ Thái Lan sẽ không công nhận bằng cấp của Viện Công nghệ châu Á (AIT) đặt tại nước này.

Quốc tế hóa AIT

Học viên (HV) tại AIT - học viện về công nghệ hàng đầu châu Á chuyên đào tạo bậc sau ĐH - tỏ ra lo lắng và bức xúc trước thông tin chính phủ Thái Lan sẽ không công nhận bằng cấp vì cho rằng AIT được thành lập “bất hợp pháp” trên lãnh thổ Thái Lan. Điều này đồng nghĩa bằng cấp của các thạc sĩ và tiến sĩ AIT tương lai không có tính chính danh.

 Học viên Việt Nam tại AIT
Học viên Việt Nam tại AIT - Ảnh: Minh Quang

Theo thông báo của Văn phòng Ủy ban dân sự thuộc chính phủ Thái Lan (OCSC), bắt đầu từ tháng 12.2012, Thái Lan chính thức không công nhận bằng cấp của AIT. Vì vậy thời gian gần đây, các SV quốc tế và Việt Nam liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ, diễn đàn chất vấn lãnh đạo nhà trường, yêu cầu làm rõ vấn đề.

Vì sao chính phủ Thái Lan có sự thay đổi đối với một học viện vốn được chính phủ hoàng gia bảo trợ trên 50 năm? Câu chuyện bắt đầu từ tháng 1.2012 khi hội đồng quản trị mới của AIT được thành lập. Tuy nhiên hội đồng mới này lại không được chính phủ hoàng gia Thái Lan chuẩn thuận với lý do chưa hội đủ điều kiện cần thiết của một ĐH quốc tế được thành lập trên lãnh thổ Thái Lan. Từ đó mới có thông báo của OCSC.

Trao đổi với Thanh Niên, một số giáo viên và nghiên cứu sinh Việt Nam nói rằng phía Thái Lan “tự ái” khi hội đồng quản trị mới AIT làm giảm vai trò của Thái Lan trong AIT bằng việc quốc tế hóa hội đồng điều hành, tăng cường sự tham gia của quốc gia khác với mục đích đưa AIT lên tầm quốc tế thay vì châu Á. Đặc biệt sắp tới hội đồng quản trị tiếp nhận thêm một công ty của Mỹ với vai trò hội đồng thành viên. Điều này càng làm giảm tầm ảnh hưởng của Thái Lan trong AIT.

Sinh viên quốc tế gặp khó

Ông Phạm Huy Giao, một trong những giảng viên người Việt Nam tại AIT, nhận định rằng AIT đang bị chính trị hóa mà lẽ ra có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để giải quyết. “Cũng dễ hiểu vì Thái Lan có nhiều công sức tạo ra AIT. Nếu vẫn giữ hội đồng cũ thì không có vấn đề gì”, vị giáo sư này chia sẻ. Ông Giao cho biết thêm chuyện đang diễn ra tại AIT gây tâm lý hoang mang không những cho SV mà cả giảng viên.

Vương Linh, Trưởng đoàn HV Việt Nam tại AIT, kể rằng trong mấy ngày qua HV Việt Nam gần như không còn tập trung cho việc học. Thay vào đó cứ trông ngóng chính phủ Thái Lan thay đổi quyết định hoặc hội đồng học viện làm gì đó để không ảnh hưởng đến bằng cấp của HV. Linh cho biết đoàn sẽ làm báo cáo và kiến nghị để nhờ giúp đỡ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Sau Thái Lan, Việt Nam là nước có nhiều HV học tại AIT, hiện có 70 HV Việt Nam đang theo học tại đây. “Bao nhiêu năm vất vả theo học lại được bằng cấp không được công nhận. Liệu điều đó có đáng không?”, một nghiên cứu sinh năm 3 bức xúc.

Hội đồng quản trị AIT cho rằng chỉ có SV Thái Lan bị ảnh hưởng nếu chính phủ nước này không chuẩn thuận bằng cấp AIT. Trong khi đó anh Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông của Trường ĐH Hoa Sen, hiện đang là nghiên cứu sinh tại AIT nói rằng điều đó không hoàn toàn chính xác. Theo ông Bình, HV Việt Nam với bằng AIT sẽ gặp khó khăn nếu họ đến Thái Lan làm việc vì các cơ quan nhà nước Thái Lan không công nhận hội đồng mới.

Ông Said Irandoust, Chủ tịch Ban Điều hành AIT nói rằng các nước, kể cả Việt Nam có thể  tuyên bố công nhận bằng cấp AIT. Tuy nhiên một nghiên cứu sinh năm 3  băn khoăn: “Có thể ở Việt Nam công nhận AIT bất kể chính phủ Thái Lan có công nhận hay không nhưng còn những quốc gia khác liệu có làm giống Việt Nam? Trường hợp HV học tiếp hoặc đi làm ở nước khác thì bằng này có được công nhận?”.

Số phận của các HV Việt Nam và quốc tế ở AIT ra sao nếu chính phủ Thái Lan và cả hội đồng quản trị AIT vẫn không thay đổi quyết định? Dự kiến hội đồng quản trị AIT có buổi gặp gỡ với các HV vào cuối tháng này.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

>> Loạn học viện - Kỳ 2: Cần biện pháp chế tài thích đáng
>> Loạn học viện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.