Giáo dục theo hướng mở và xây dựng xã hội học tập

29/10/2015 06:31 GMT+7

Sẽ có một bước chuyển biến lớn về phương pháp, bước đi trong quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới.

Sẽ có một bước chuyển biến lớn về phương pháp, bước đi trong quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới.

Giáo dục phải chuyển mạnh học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn	- Ảnh: Đ.N.T
Giáo dục phải chuyển mạnh học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn - Ảnh: Đ.N.T
Đại hội 11 xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo. Đến Đại hội 12 là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực.
Có thể thấy đây là một bước chuyển biến lớn về phương pháp, bước đi trong quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới. Nếu như trước đây chúng ta đặt vấn đề phát triển nguồn nhân lực lên nội dung đầu tiên thì đến Đại hội 12 vấn đề phát triển nguồn nhân lực được đặt ở vị trí cuối. Tôi cho rằng đây là cách sắp xếp hợp lý và khoa học, bởi lẽ, nếu chất lượng của giáo dục và đào tạo tốt thì đương nhiên chúng ta sẽ có được nguồn nhân lực có chất lượng. Đây là một quan hệ nhân - quả, mà ở đó, nguồn nhân lực là quả, còn giáo dục, đào tạo là nhân.
Về giáo dục, đào tạo, quan điểm Đại hội 11 cho rằng đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo. Chính vì quan điểm này dẫn đến hàng loạt các trường ĐH, CĐ ra đời nhưng chưa đảm bảo thực tế các điều kiện cần thiết. Đại hội 12 xác định đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Có nghĩa là phải đổi mới từ gốc, từ giáo dục mầm non, đến giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH, sau ĐH; phải chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ.
Trước yêu cầu này, chúng tôi có một vài đề xuất: Cần thay đổi quan niệm trong xã hội từ việc đi học để “lấy bằng” đi “xin việc” sang đi học để thông kiến thức, thạo kỹ năng, giàu sáng tạo. Song song đó, cần sớm rà soát và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, sử dụng sức mạnh của cộng đồng để giám sát chất lượng của các trường được giao quyền tự chủ.
Có chiến lược nâng cao mức sống cho giáo viên các cấp lên mức trung bình khá trong xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Cần đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với đào tạo nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ gắn với cộng đồng và doanh nghiệp.
Thêm cụm từ “Phát triển nguồn nhân lực” vào trong tiêu đề của văn kiện để thấy được tầm quan trọng của giáo dục đào tạo và phát triển nguồn lực. Xin kiến nghị tiêu đề mới của đại hội là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.