Giảm tỷ trọng dùng tiền mặt xuống dưới 10%

23/12/2017 08:40 GMT+7

Tại một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan..., hiện tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở khoảng từ 11 - 17%, VN là 11,45%.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước châu Âu thấp hơn rất nhiều, một số quốc gia phát triển như Thụy Điển, Na Uy... dưới mức 1%.
Theo mục tiêu của đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ công bố là đến cuối năm 2020, tỷ trọng dùng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đồng thời, toàn thị trường có ít nhất 300.000 máy POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu mỗi năm. Toàn bộ siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có máy POS và 100% Kho bạc Nhà nước từ quận đến thị xã trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… đều có máy POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước. Thực tế, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang giảm dần. Báo cáo của NH Nhà nước cho thấy, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45 % vào tháng 8.2017. Theo đó, nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức chi trả không dùng tiền mặt.
Song song đó, thẻ NH tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tính đến tháng 9.2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt mức trên 127 triệu thẻ (tăng 5,5 triệu thẻ so với cuối tháng 6). Số lượng máy ATM trên cả nước tăng lên 17.396 máy, máy POS lên 260.187 máy. Thị trường có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động các dịch vụ tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến...
Ngoài quy định bắt buộc như quy định khấu trừ thuế đối với thanh toán qua NH, một số quy định sắp tới cũng đòi hỏi việc thanh toán phải qua tài khoản như dự thảo giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng (chỉ có 3 trường hợp được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt) của NH Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế một số DN ngại chuyển khoản do không muốn mất phí chuyển tiền qua NH. Còn riêng đối với nhiều nhà hàng, cửa hàng nhỏ lẻ chưa mặn mà khi lắp đặt máy POS để cà thẻ. Vì khi sử dụng, chủ cơ sở phải trả phí từ 1,5 - 2,5%. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại VN, cần có các chính sách hỗ trợ khuyến khích, nhất là về mức phí sử dụng các dịch vụ về thẻ, máy POS… đối với cả người dùng lẫn các đơn vị chấp nhận thẻ. “Mục tiêu đề án thanh toán không dùng tiền mặt đưa ra tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Có nhiều lý do để tự tin về điều này như cơ sở hạ tầng gồm máy ATM, POS… tăng mạnh đáp ứng số người sử dụng thẻ tăng cao. Còn đâu đó một số cá nhân, DN ngại thanh toán qua NH vì sợ phải minh bạch thông tin, cơ quan thuế quản lý được doanh thu để tính thuế… Đó là lý do vì sao một số nước quy định thanh toán qua NH để quản lý không những thuế mà còn cả việc kiểm soát, chống tài trợ khủng bố, rửa tiền…”, TS Bùi Quang Tín phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.