Tiếng trống Taiko

03/01/2010 09:54 GMT+7

(TNTT>) “Tại Nhật Bản, trống Taiko vẫn sống mạnh mẽ và phát triển dù chịu sự cạnh tranh lớn trong nền văn hóa hiện đại xứ hoa anh đào. Có được điều đó cần phải cảm ơn Daihachi Oguchi rất nhiều”.

Khác với các nước Đông Á thường đón năm mới theo lịch âm, người Nhật chọn đón Tết truyền thống theo dương lịch để hòa nhập cùng thế giới. Việc này bắt đầu từ năm 1876, thời Minh Trị tiến hành duy tân. Một nhà báo Mỹ kể, khi anh đến Little Tokyo (Los Angeles) vào ngày đón năm mới 2010; ngoài những màu áo kimono sặc sỡ, những chiếc quạt giấy, những chiếc ô mỏng nhiều màu sắc; điều anh ấn tượng nhất là được nghe tiếng trống Taiko.

Làm trống kiểu người Nhật

Theo tiếng Nhật, “taiko” là chiếc trống. Thực ra, nó không phải là phát minh của người Nhật mà được du nhập từ Trung Quốc khoảng thế kỷ 5, 6 trước Công nguyên thông qua bán đảo Triều Tiên. Taiko đã thích nghi và phát triển nhanh trong môi trường văn hóa Nhật và cuối cùng trở thành một phần văn hóa Nhật. Nó được sử dụng như một thứ nhạc cụ thiêng liêng trong cả hoàng cung lẫn trong dân gian; có mặt trong cả các đền thờ thần đạo đến những làng chài ven biển.

Về cách tạo trống, người Nhật phân biệt làm 2 loại: Byou-uchi daiko là trống mà tang làm bằng gỗ từ một thân cây được đục rỗng ruột. Còn Tsukushime-daiko là trống mà tang làm bằng nhiều miếng gỗ ghép lại. Nhiều người nghĩ, loại Byou-uchi daiko thường có kích thước nhỏ vì bị hạn chế bởi đường kính cây gỗ làm tang trống. Nhưng trong một số đền thờ, đã có những chiếc trống với kích thước rất to, gọi là Adaiko. Chẳng hạn, chiếc trống Nagoya Adaiko cao 2,4 mét, đường kính 2,4 mét, nặng 3 tấn và điều đặc biệt là nó làm từ một thân cây 1.200 năm tuổi. Ở Nhật, những chiếc trống như vậy có thể coi là bảo vật.

 

Màn biểu diễn của nhóm Kodo

Khi nghĩ đến văn hóa truyền thống nước Nhật, người ta thường nghĩ đến trà đạo với những chén trà mang đầy hơi thở triết lý đặt trên những chiếc bàn con hoặc nghĩ đến nghệ thuật bonsai với những cây cảnh nhỏ đặt tại một nơi trang trọng. Tâm hồn Nhật là một thứ gì đó rất nhẹ nhàng, rất tĩnh lặng, giản dị nhưng sâu lắng. Nhưng với tiếng trống Taiko lại khác: Nó mạnh mẽ, dồn dập, làm người nghe cảm thấy tim đập nhanh, rất phấn khích và tráng khí ngút trời.

Oguchi và hào khí taiko

Tại các nước Đông Á, hầu như nước nào cũng có trống da vì nó xuất phát chung từ một gốc. Và tiếng trống của nước nào cũng hùng tráng vì trong lịch sử, nó gắn liền với các cuộc chiến tranh. Tiếng trống là để thúc trận, là để tăng sĩ khí cho quân đội khi lao lên phía trước. Nhưng trong thời hiện đại, trống da chỉ xuất hiện trong các lễ hội truyền thống và nhanh chóng bị trống điện tử “hạ đo ván” trên sân khấu.

Daihachi Oguchi, nghệ nhân đánh trống số 1 Nhật Bản từng lý giải: tiếng trống truyền thống của họ được gõ theo nhịp của bước hành quân ra trận nên nó phải dứt khoát, đúng nhịp và mạnh mẽ. Khi nhịp hơi thở, nhịp tim hòa vào tiếng trống thì người nghe sẽ cảm thấy trống đang phát trong lòng họ.

Tại Nhật Bản, trống Taiko vẫn sống mạnh mẽ và phát triển dù chịu sự cạnh tranh lớn trong nền văn hóa hiện đại của xứ hoa anh đào. Có được điều đó, cần phải cảm ơn Daihachi Oguchi rất nhiều. Trong những năm 50, khi nền văn hóa Nhật tiếp thu nhiều loại hình văn hóa của phương Tây, Oguchi – vốn là một nhạc công đã lo ngại rằng tiếng trống Taiko sẽ bị đào thải khỏi thế giới hiện đại. Oguchi không chấp nhận điều đó và đã phát triển trống truyền thống Nhật bằng cách thay đổi nó. Ông đi khắp nước Nhật để mở lớp dạy đánh trống, gây dựng các ban nhạc lấy trống Taiko làm đạo cụ. Oguchi sang cả Mỹ, châu u để mở lớp, truyền bá trống Taiko. Oguchi chỉ dừng lại công việc này vào năm 2004 khi ông qua đời sau một tai nạn giao thông. Nhưng 50 năm cống hiến đó đã được đền đáp xứng đáng. Hàng nghìn nhóm chơi Taiko được lập trên thế giới với sự ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của Oguchi, riêng tại Mỹ là 300 nhóm và 36 lò dạy đánh trống Taiko đang hoạt động.

Thương hiệu Taiko

Người Nhật ngày nay đã không ngừng phổ biến tiếng trống của họ ra khắp thế giới. Nhóm Daiko Project tham gia American Idol và dù không đoạt giải, họ cũng khiến mọi người phải ngỡ ngàng về cách chơi trống truyền thống của người Nhật. Họ đã cố gắng làm sao để tiếng trống có vẻ như đơn điệu đó phải thu hút được người châu u vốn có sự khác biệt về văn hóa. Các nhóm đánh trống, ngoài việc tạo thanh còn chú trọng tạo hình để khán giả thấy họ không chỉ xem và nghe trống Nhật, mà còn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Nhật.

Chẳng hạn, hầu hết những người đã xem nhóm đánh trống Kodo (nhóm đánh trống Taiko nổi tiếng nhất Nhật) biểu diễn, đều rất ấn tượng. Trong sân khấu tối và chỉ tập trung ánh sáng vào một chiếc trống được dựng trên giá cao, một nghệ nhân không phải cao to, chỉ đóng khố đã thể hiện động tác đánh trống theo đúng tinh thần mà Oguchi chỉ cho họ: “Đánh theo nhịp tim, trống là tim bạn”.  Khi đó, dù chẳng cần nghe, người ta cũng thấy ẩn hiện hình ảnh một võ sĩ đạo với 2 dùi trống như 2 thanh kiếm. Tiếng trống Taiko còn thâm nhập vào cả thế giới công nghệ số. Tháng 10.2004, tức 4 tháng sau khi nghệ nhân Oguchi qua đời, một trò game dành cho hệ PS2 (phổ biến nhất thời điềm đó) có tên Taiko Drum Master được tung ra thị trường. Nội dung trò game này là hướng dẫn trẻ chơi trống dân tộc với các giai điệu rất phong phú; từ nhạc giao hưởng đến nhạc “7 viên ngọc rồng”; từ Britney Spears đến Madonna. Một trò game lành mạnh khiến cả trẻ em lẫn phụ huynh đều thích.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.