Nghịch lý từ phim ăn khách

19/12/2009 09:48 GMT+7

(TNTT>) Mặc cho những nhà phê bình đánh giá thấp, mặc nhiều tờ báo chê bai, những bộ phim được sản xuất gần đây vẫn kéo khán giả đến rạp. Liệu có phải là nghịch lý?


Cảnh phim Đẹp từng centimet

Quá nhiều lời chê

Trăng non (New moon) vừa ra rạp đã nhận ngay những cú "tát" từ báo chí và giới phê bình Mỹ. Tờ Los Angeles Times viết: "Phần đầu Twilight làm khán giả thỏa mãn trong khi Trăng non lại như một phiên bản được lặp lại, thiếu cảm xúc". Tờ New York Post nhận xét: "Lời thoại quá tệ, thông điệp phim càng tệ hơn, chẳng phù hợp với tuổi mới lớn, người lớn lại càng không". Trong khi The Boston Globe bình luận: "New moon là sự kéo dài lê thê với lời thoại tầm thường, âm nhạc không có gì mới so với phần đầu Twilight. Cảm xúc trên phim quá hụt hẫng so với những gì sách đã chuyển tải". Telegraph công kích: "Càng nhấn mạnh, đào sâu vào chi tiết nên Trăng non mất đi những cảm xúc mà Chạng vạng mang lại". Trong khi đó những cây bút phê bình điện ảnh Mỹ cũng cho rằng bộ phim 2012 - Năm đại họa có quá ít nghệ thuật điện ảnh, chỉ hấp dẫn số đông bằng kỹ xảo.

Điện ảnh Việt Nam năm 2009, một số bộ phim cũng nhận được khá nhiều lời chỉ trích như Đẹp từng centimet hay Giải cứu thần chết. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bị nhận xét là "quá tham lam", muốn kéo dài độ hot của cặp đôi Tăng Thanh Hà – Lương Mạnh Hải trong phim truyền hình Bỗng dưng muốn khóc để rồi sinh ra Đẹp từng centimet không có gì mới mẻ, cũng loay hoay với những lời cãi vã của hai nhân vật chính, cho Tăng Thanh Hà "khoe" thân thể ốm nhom, thiếu sức sống… Giải cứu thần chết của Quang Dũng cũng được cho là bắt chước những bộ phim ca nhạc của Hollywood như High school musical, Mean girls...

Cảnh phim Đẹp từng centimet
Cảnh phim Đẹp từng centimet

Bị phê mà vẫn hốt bạc

Bị phê bình, chỉ trích nhưng các bộ phim vẫn thu về hàng trăm triệu USD trên toàn cầu hay hàng chục tỉ đồng trên toàn quốc. Một nghịch lý đang diễn ra là nếu các nhà phê bình, giới truyền thông đúng thì tại sao Trăng non với kinh phí chỉ 50 triệu USD lại thu về đến 258 triệu USD trong vài ngày đầu trình chiếu khắp toàn cầu? Hay 2012 - Năm đại họa thu về hơn 450 triệu USD, riêng Việt Nam theo công bố của đơn vị phát hành phim, công ty Galaxy, mỗi ngày doanh thu đạt 1 tỉ đồng. Không thua kém 2012 - Năm đại họa, Trăng non cũng "hoành hành" tại các rạp trên toàn quốc và "cháy vé". Cứ đều đặn, hệ thống rạp Megastar thu về từ tiền bán vé phim Trăng non mỗi ngày cũng khoảng 1 tỉ đồng từ khi khởi chiếu vào ngày 27.11.

Tương tự 2 bộ phim Việt chiếu Tết 2009 Đẹp từng centimet (BHD sản xuất) và Giải cứu thần chết (Galaxy, HK Film, Cine Box và Công ty CP truyền thông Thanh Niên sản xuất) cũng đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Với kinh phí sản xuất 4 tỉ, Đẹp từng centimet gom về 15 tỉ, trong khi Giải cứu thần chết tốn khoảng 6 tỉ thu về đến 26 tỉ! Xét về kinh doanh, đây là con số lợi nhuận đáng để các hãng phim Nhà nước suy ngẫm.

Một cảnh quay của phim Giải cứu thần chết - Ảnh: Đỗ Tuấn
Một cảnh quay của phim Giải cứu thần chết - Ảnh: Đỗ Tuấn

Đâu là câu trả lời?

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thừa nhận: "Giữa khán giả và các nhà phê bình phim đầy học thuật thì rõ ràng có độ chênh rất lớn. Ngay cả thế giới cũng thế, không riêng gì Việt Nam. Phê bình phim ở Việt Nam cũng chưa thật sự chuyên nghiệp. Một bộ phim thành công về doanh thu cần được đánh giá đúng như bộ phim đoạt giải tại các LHP". Đạo diễn Quang Dũng nhận xét: "Phim ảnh cũng như hàng hóa, nếu nhà sản xuất biết tung ra đúng thời điểm, đúng lúc khán giả mong đợi nhất, bộ phim sẽ thành công về doanh thu. Trăng non hay 2012 - Năm đại họa thành công là vì thế. Với một người làm phim chuyên nghiệp càng có nhiều cơ hội làm phim thì xác suất để tạo nên một bộ phim hay, để đời càng lớn. Thật khó tin khi một đạo diễn 10 năm mới làm được 1 bộ phim mà thành công được".

Rõ ràng, phê bình phim là nhiệm vụ của giới chuyên môn, những người cầm bút đánh giá phim dựa trên lý trí, trên học thuật trong khi khán giả xem phim vì cảm xúc, với mục đích chính là giải trí, thư giãn. Vì vậy thật khó để đưa ra kết luận một bộ phim đoạt giải tại các LHP sẽ hay hơn (về nghệ thuật) một bộ phim đạt doanh thu cao. Chơi vơi đoạt giải thưởng ở LHP nhưng khi chiếu rạp cũng chỉ thu về 700 triệu đồng, một con số quá khiêm tốn so với Đẹp từng centimet hay Giải cứu thần chết. Đại diện một công ty sản xuất phim cho biết tùy vào mục đích làm phim để dự thi hay kinh doanh mà nhà sản xuất sẽ chọn tiêu chí để hướng đến.

Điện ảnh, xét cho cùng, vẫn là để phục vụ khán giả. Điện ảnh có phát triển hay không còn tùy thuộc vào lượng khán giả bỏ tiền ra mua vé. Mặt khác, điện ảnh còn là một sản phẩm giải trí, phải được tiêu thụ ở mức cao nhất. Không ai mong mình làm phim ra chỉ để cất ở thư viện hay chỉ để "phục vụ" nhà phê bình. Và vì thế ranh giới giữa phim nghệ thuật hay phim thị trường ngày càng mờ dần trong suy nghĩ của đa số khán giả.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.