Đạo diễn Quốc Trọng nói về “Bí thư tỉnh ủy”

20/11/2009 10:06 GMT+7

(TNTT>) Bộ phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy từ khi vừa bấm máy đã gây xôn xao dư luận. Phim lấy nguyên mẫu từ nhân vật có thật- ông Kim Ngọc (1917- 1979)- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú những năm 1960-1970, người được coi là cha đẻ của khoán hộ.

Kim Ngọc xuất thân là bần cố nông, ông cày giỏi có tiếng và chỉ học hết lớp 6. Khi làm bí thư tỉnh ủy, ông luôn gần gũi với người dân. Bộ phim tái hiện giai đoạn lịch sử miền Nam chống Mỹ, miền Bắc xây dựng XHCN đầy khó khăn. Trăn trở với những khó khăn của người dân trong cơ chế bao cấp, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã đưa ra hình thức khoán hộ cho nông dân, năng suất lúa cao hẳn. Dù áp lực nhưng Kim Ngọc vẫn làm, chỉ với một mong muốn: Làm sao để có ruộng đất cho bà con được no ấm. Nhưng sau mấy vụ thì có chỉ thị ngừng chương trình này. Hơn 20 năm sau, Bộ Chính trị mới đưa ra Nghị quyết 10, có nhiều điểm trùng với việc làm của Kim Ngọc, công lao của ông được nhìn nhận và đánh giá lại.

TN TT&GT đã gặp đạo diễn Quốc Trọng tại Vĩnh Phúc- nơi đang quay Bí thư tỉnh ủy để trò chuyện về phim. Giữa giờ nghỉ trưa, cả đoàn đi ăn cơm, còn ông ở lại trông đồ và xem lại những cảnh đã quay…

Đạo diễn Quốc Trọng

• Từng đóng phim, nổi tiếng với vai Xuân tóc đỏ trong phim Số đỏ

• Là đạo diễn các phim như: Ngõ lỗ thủng, Hương đất, Đường đời, Mùa lá rụng trong vườn…

Bí thư tỉnh ủy

• Dài 50 tập, do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, ĐTH Việt Nam sản xuất

• Vào vai nhân vật Kim Ngọc là diễn viên Lê Dũng Nhi, người từng tham gia trong Chạy án, Gió từ phố Hiến...

Thưa đạo diễn, “Bí thư tỉnh ủy” dài 50 tập, giờ đã quay tới đâu rồi?

Phim không quay theo thứ tự, nên cứ tiện bối cảnh nào thì sẽ quay hết bối cảnh ấy. Nhưng khối lượng công việc thì giờ đã được gần 40 tập rồi.

Cứ theo tiến độ này thì đến cuối năm có lẽ phim sẽ xong?

Cũng không nói trước được bởi còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Phim về những năm 60- 70 nên việc tìm được những ngôi nhà mái rạ lô nhô đã khó rồi, lại phải thay đổi hết đồ dùng trong ngôi nhà nữa. Khi nói làm phim về ông Kim Ngọc thì gia chủ đồng ý, nhưng muốn thay bàn thờ vốn toàn đồ Tàu của người ta bằng những đồ ngày xưa thì mình phải làm một cái lễ xin, quay xong lại làm một lễ tạ. Một cái đình làng phải xin ban quản lý di tích, quét vôi lại hết, dựng bối cảnh. Đấy là còn chưa kể tới những cảnh phức tạp như lớp học sơ tán, giao thông hào, hố bom phải đào lại, cảnh trận địa pháo phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của tỉnh đội nữa...

Tổ họa sĩ cần 20 người mới đáp ứng được trong khi tôi chỉ có 4 người, tổ đạo diễn có thể có 10 người thì tôi chỉ có 2. Thêm nữa, vì cuối năm rồi các nhà hát thi nhau hội diễn nên diễn viên khó mà tập trung cho phim được. Mọi người thì cứ quen nghĩ phim truyền hình quay 3 ngày xong 1 tập. Phim này mà quay 1 tuần 1 tập tôi đã thấy vĩ đại lắm rồi.

Có phải đạo diễn quá kỹ tính?

Kỹ tính là một chuyện. Vấn đề là không thể nào làm nhanh hơn được. Ngay cả diễn viên, hình dung về phong cảnh một thời, cách nói năng, đi đứng cách diễn ra sao đều phải để ý. Có những cảnh toàn quần chúng, rồi phim quay chủ yếu ngoài trời, phải chạy thời tiết… nên mình không thể kỹ càng như đang trong trường quay.

Đối với một phim về một nhân vật lãnh đạo, đạo diễn làm thế nào để tăng tính hấp dẫn cho phim?

Phim nào cũng thế, nó xuất phát từ kịch bản. Khi kịch bản được thống nhất thì kịch bản là “pháp lệnh”. Tôi không quan niệm mình làm phim chính trị. Tôi chỉ nghĩ là mình làm phim về một con người, về chuyện xa xưa của một thời kỳ dĩ vãng, để chúng ta thấy được công sức của một con người đã hết mình nghĩ đến người khác. Tôi thấy công việc mình đang làm cũng tựa việc thắp một nén hương cho cụ Kim Ngọc.

Người ta vẫn nói ông luôn đảm nhiệm những phim 3K (khó- khô- khổ). So với những phim trước, phim này có “3K” hơn?

Phim này là sự tột cùng của cái gọi là vừa khó vừa khô vừa khổ. Nhưng mình đã bắt tay vào làm thì cứ cắm đầu, cắm cổ mà làm thôi.

Đạo diễn cứ kêu thế, chứ phim Trần Thủ Độ đang quay bối cảnh còn xa xưa hơn nhiều, chẳng lẽ người ta không khó khăn?

Tất nhiên phim nào cũng có khó khăn. Nhưng phim Trần Thủ Độ được đầu tư mấy chục tỷ, chúng tôi 1/10 số đó chưa chắc đã được. Chỉ tính con số đó thôi bạn đủ hình dung rồi.

Đỗ Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.